Chủ Nhật, 06/10/2024 09:40 SA
Những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014
Thứ Hai, 06/01/2014 10:00 SA

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Báo Phú Yên trích giới thiệu cùng bạn đọc.

 

ngan-hang140106.jpg

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 - Ảnh: N.TRƯỜNG

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

 

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

 

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, kiên quyết đẩy lùi đô la hóa. Có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Bộ Tài chính, rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ. Nghiên cứu, có giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

 

Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo đề án đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, điều hành lãi suất cho vay phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng, người gửi tiền và khách hàng vay. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại nợ, đối tượng vay; thực hiện cơ cấu lại nợ, kể cả việc xem xét khoanh nợ trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.

 

Tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược

 

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Hiến pháp sửa đổi năm 2013; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp về vốn, tài sản của các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, người dân.

 

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các bộ: GD-ĐT, KH-ĐT, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trước mắt, năm 2014 tập trung đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá và thi (tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng). Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính GD-ĐT gắn với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

 

Tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng

 

Cũng theo nghị quyết, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại nhà nước. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Kiểm tra, rà soát và có giải pháp từng bước xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo có tác động xấu đến thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng.

 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn. Triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Đề án phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020, Đề án hình thành và phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện;...

 

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành

 

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty, các bộ: Tài chính, KH-ĐT, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án được duyệt. Tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.

 

Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, bảo đảm hoạt động đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

 

Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

 

Về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên địa bàn từng địa phương, vùng, cả nước gắn với thị trường trong nước và thế giới.

 

Khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, các khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý đã có hiệu quả trong thực tiễn, nhất là mô hình cánh đồng lớn.

 

Về tái cơ cấu công nghiệp, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN và các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp quan trọng. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Tập trung khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tăng cường đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phát triển các dạng năng lượng tái tạo.

 

Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

 

Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.

 

Rà soát tổng thể, điều chỉnh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có tỉ lệ hộ nghèo cao. Giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông - lâm - ngư; tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, trợ giúp pháp lý.

 

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh việc triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nhà ở cho người có công và các đối tượng khó khăn về nhà ở ở nông thôn, đô thị và các khu công nghiệp...

 

Theo Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek