Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhân dân và được Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Luật Đất đai (sửa đổi), việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội sẽ được thu hẹp. Trong ảnh: Thu hồi đất, phát triển hạ tầng giao thông ở Đông Hòa - Ảnh: M.ANH
So với Luật Đất đai hiện hành, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới quan trọng liên quan đến công tác này.
Trước hết, luật đã quy định cụ thể về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất: (1) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; (2) Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (3) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; (4) Thu hồi đất do chấm dứt sửdụng đất theo pháp luật, tự nguyện và do cónguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Đồng thời, luật cũng thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó làm rõ các công trình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh để tránh lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để có đất thực hiện dự án đầu tư như quy định hiện nay.
Bên cạnh đó, luật mới cũng bổsung quy định về các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất, thẩm quyền, thời hạn, hiệu lực, hình thức của việc trưng dụng đất.
Để xử lý tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này ngoài việc bổ sung quy định cụ thể điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhằm sàng lọc nhà đầu tư kém năng lực còn bổ sung chế tài xử lý về tài chính.
Trong đó, đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được tiếp tục chậm sử dụng đất thêm 24 tháng nhưng trong thời gian này chủ đầu tư phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian này; sau 24 tháng được chậm tiến độ, nếu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường.
Sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất để cải cách hành chính khi thực hiện các dựán theo hướng UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Quy định cụ thể trong luật trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo hướng tăng cường sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trách nhiệm đối thoại vàgiải trình của cơ quan Nhànước cóthẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.
Bổ sung quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế quyết định thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Đổi mới về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thông qua các quy định: Giá đất bồi thường được áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phíđầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; bồi thường khi thu hồi đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể.
Quy định rõ ràng, cụ thể và quan tâm hơn đến đảm bảo sinh kếcho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác.
Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc lập các khu tái định cư, đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước và do lỗi của người có đất thu hồi gây ra để đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Với các đổi mới trên, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thiết lập được cơ chế công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
LÊ THANH KHUYẾN
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai
(Theo Chinhphu.vn)