Tăng cường khảo sát nhu cầu tiêu dùng là một trong những việc làm rất quan trọng, góp phần tăng hiệu quả của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Vấn đề này đã được đặt ra tại hội nghị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức vừa qua.
Hàng Việt được bán tại một hội chợ thương mại tổ chức trong năm 2013 - Ảnh: V.PHÊ
ÐÁP ỨNG NHU CẦU MUA SẮM CỦA NGƯỜI DÂN
Tiếp tục hưởng ứng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Năm 2013, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa... với trên 48 doanh nghiệp tham gia. Riêng trong 2 tháng 9 và 10/2013, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 7 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Trong tháng 12 đến trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tổ chức từ 8 đến 10 đợt đưa hàng Việt về bán lưu động tại một số xã, thị trấn trong tỉnh, kết hợp với chương trình bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Thực tế, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi mà người dân ít có cơ hội tiếp xúc với hàng hóa. Tuy nhiên, trong những đợt bán hàng vừa qua, số lượng hàng được các doanh nghiệp bày bán không nhiều, chưa phong phú về chủng loại. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng may mặc, đồ mỹ nghệ. Bà Lê Thị Bông ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cho biết: Khi có Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chúng tôi rất phấn khởi vì hầu hết bà con được mua hàng có chất lượng với giá rẻ. Nhưng ngoài việc mua các mặt hàng thiết yếu thì chúng tôi cũng cần nhiều loại hàng khác như chăn, bàn ghế, hay một số mặt hàng khác... Tôi mong muốn trong những đợt bán hàng tiếp theo, một số mặt hàng chúng tôi cần sẽ được bán để người dân ở đây có dịp mua sắm.
NÊN KHẢO SÁT THỰC TẾ
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương, sở đã lập kế hoạch tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, phát triển thị trường nội địa và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015. Trong đó, sở tập trung ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các đề án phát triển công nghiệp nông thôn, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, công tác thăm dò, khảo sát thực tế nhu cầu mua sắm của người dân vẫn chưa được triển khai; kinh phí thực hiện còn hạn chế. Trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ quan tâm công tác này và cần sự chỉ đạo, hỗ trợ của cấp trên.
Liên quan đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Hằng năm, Ban chỉ đạo cuộc vận động và các đơn vị liên quan cần có cuộc khảo sát, đánh giá thực tế nhu cầu của người tiêu dùng tại các địa phương trước khi tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Cụ thể là đánh giá mức thu nhập, kinh tế hiện có của người dân trong thời điểm hiện tại, người dân cần gì, những mặt hàng nào đang được quan tâm… Qua đó, các đơn vị có thể vận động những doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tham gia bán hàng cho người dân (trong đó ưu tiên bán hàng Việt). Điều này không chỉ tạo điều kiện tăng thu nhập cho các doanh nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân dân.
Ông Lê Đủ, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh nói: Do ban chỉ đạo tỉnh chưa tổ chức thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân và hiện chưa có ban chỉ đạo cuộc vận động ở từng cơ sở nên khó khăn trong việc thăm dò nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân. Đơn vị sẽ xin ý kiến UBND tỉnh thành lập các ban chỉ đạo cấp huyện để có sự phối hợp chặt chẽ hơn về vấn đề này. Mặt khác, kinh phí tổ chức là kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm không nhiều nên các đơn vị không chủ động được trong quá trình triển khai.
Theo ông Võ Văn Quyền, tỉnh cần xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương trong việc triển khai và hỗ trợ kinh phí để thực hiện, bởi đây là điều cần thiết, góp phần tăng hiệu quả của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh nói riêng cần chú trọng công tác xây dựng thương hiệu Việt, đầu tư nhiều hơn vào khâu sản xuất, chế biến. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đưa ra đề án để phát huy hiệu quả chương trình bán hàng, bảo đảm chất lượng hàng hóa.
KHANG ANH