Nghề nuôi dông ở huyện Đông Hòa hình thành từ năm 2005, hiện đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình, dù chỉ nuôi được ở vùng đất cát.
Thu hoạch dông - Ảnh: T.V.TÒNG
DỄ NUÔI
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, nghề nuôi dông trên đất cát hình thành cách đây khoảng 8 năm. Ban đầu chỉ một vài hộ nuôi mang tính thử nghiệm, sau đó Phòng NN-PTNT huyện triển khai thí điểm mô hình nuôi dông trên cát. Kết quả ban đầu của mô hình mang lại rất khả quan nên một số người dân trong huyện học tập, nuôi theo. Đến nay, nghề nuôi dông đang phát triển mạnh ở xã Hòa Hiệp Bắc và thị trấn Hòa Hiệp Trung. Ông Phạm Phố ở thôn Phước Lâm (xã Hòa Hiệp Bắc), một trong những hộ nuôi dông đầu tiên ở xã này cho biết: “Ban đầu tôi chỉ xây dựng 2 hồ nuôi với diện tích vài sào đất trong vườn nhà. Sau 1 năm nuôi, dông phát triển tốt, tiền bán dông thịt đã đủ vốn đầu tư ban đầu nên gia đình tôi mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Đến nay diện tích nuôi dông của gia đình tôi đã lên khoảng 7.500m2”.
Theo nhiều người, chi phí đầu tư ban đầu để nuôi dông tương đối cao. Bình quân mỗi hồ nuôi rộng 500m2, người nuôi phải đầu tư khoảng 8 triệu đồng để xây hồ, giăng lưới và 70kg dông giống (loại 15 con/kg) hoặc 40kg (loại 30 con/kg). Với giá dông giống khoảng 400.000 đồng/kg như hiện nay, cộng với tiền thức ăn và một số chi phí khác thì mỗi hồ nuôi 500m2 phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Nhưng bù lại thời gian thu hồi vốn đầu tư khi nuôi dông rất nhanh. Bình quân mỗi năm dông sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con, vì vậy chỉ sau hơn 1 năm số lượng dông có thể tăng lên gấp 2 lần so với số dông thả nuôi ban đầu.
Ông Nguyễn Sinh Thành ở thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Ban đầu gia đình ông thả nuôi 40kg dông giống vào tháng Giêng, đến tháng 4 âm lịch dông bắt đầu đẻ lứa đầu, sau đó đến tháng 9 dông lại tiếp tục đẻ lứa thứ 2. Bình quân mỗi năm hồ dông chưa đầy 1 sào đất cho thu hoạch khoảng 70kg dông thịt, tương đương 20 triệu đồng”.
Dông là loại động vật bán hoang dã nên rất dễ nuôi, không bị dịch bệnh, chi phí thức ăn thấp nên hấp dẫn người nuôi. Ông Phạm Thảnh ở thôn Phước Lâm cho hay: So với các vật nuôi quen thuộc như gà, vịt, heo, bò… thì dông dễ nuôi hơn nhiều. Mỗi ngày chỉ cho ăn một lần, mà không phải chăm sóc gì thêm. Thức ăn cho dông cũng đơn giản, có thể là các loại rau củ quả trồng sẵn trong vườn nhà hoặc mua ở chợ. “Qua nhiều năm nuôi, tôi thấy dông chỉ có thể mắc bệnh nấm da. Bệnh này thường xảy ra trên dông nuôi tại các hồ ở vị trí trũng thấp, bị ẩm ướt và mật độ nuôi dày. Để loại trừ bệnh này người nuôi nên xây hồ nơi cao ráo, thoáng mát, tỉ lệ thả nuôi hợp lý (dông giống 1 con/m2, dông thịt 3 con/m2)”, ông Thảnh chia sẻ.
SỨC TIÊU THỤ MẠNH
Theo ông Phạm Phố, lúc đầu gia đình ông chỉ nuôi dông, sau đó thấy dông được tiêu thụ mạnh nên ông kiêm luôn việc thu mua cả dông thịt và dông giống cho người nuôi. Bình quân mỗi ngày ông mua khoảng 30kg dông thịt để cung ứng cho các nhà hàng trên địa bàn TP Tuy Hòa và các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh... “Hiện có rất nhiều đầu mối ở các tỉnh lân cận đặt hàng với giá cao, nhưng không có dông để cung cấp”, ông Phố cho biết.
Ông Trương Văn Tòng, cán bộ phụ trách chăn nuôi của Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 70 hộ nuôi dông. Tuy nhiên chỉ có vùng đất cát ở nơi cao ráo, thoáng mát không bị ô nhiễm thì mới có thể nuôi được. Mặc dù nghề nuôi dông chưa được phổ biến nhưng đây là nguồn thu nhập ổn định và mang tính bền vững đối với nhiều gia đình.
THỦY TIÊN