Huyện Đồng Xuân có 11 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã, 15 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án khác, huyện đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng giúp những vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển.
Thi công cống tràn con đường từ làng Đồng đi khu sản xuất Cà Te, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) - Ảnh: A.NGỌC
Theo Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, trong năm 2013, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, huyện Đồng Xuân đã thực hiện dự án Hỗ trợ đầu tư các thôn, xã đặc biệt khó khăn với hơn 3,2 tỉ đồng. Trong đó, tại xã Phú Mỡ đã xây dựng mới 2 giếng nước sinh hoạt tại thôn Phú Đồng và xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Phú Hải với gần 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, tại thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ) cũng được đầu tư xây dựng mới các hạng mục sân, cổng, tường rào nhà sinh hoạt cộng đồng với gần 410 triệu đồng. Đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn đặc biệt khó khăn đã đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại. Đối với các dự án định canh định cư tập trung, nhiều khu tái định cư đã xây dựng hoàn thành và khang trang, giúp người dân ổn định chỗ ở.
Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình có mục tiêu, huyện Đồng Xuân đã đầu tư xây dựng mới con đường từ làng Đồng đi khu sản xuất Cà Te (xã Phú Mỡ). Ông So Bếp, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, cho biết: “Con đường từ làng Đồng đi khu sản xuất Cà Te đã xây dựng hoàn thành và nghiệm thu bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng từ tháng 8/2013 với số tiền gần 6,4 tỉ đồng. Nhờ có con đường này nên việc đi lại của nhân dân rất thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương”.
Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: “Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở huyện Đồng Xuân được tỉnh và Trung ương rất quan tâm. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư khống chế mỗi thôn là 200 triệu đồng nên những công trình được xây dựng mới chỉ là những công trình nhỏ lẻ. Một số địa phương do trình độ năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế, công tác hướng dẫn kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh chưa được thường xuyên liên tục, chưa sâu sát nên có một số hạng mục công trình sau khi bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng thì việc khai thác chưa phát huy hết hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn người dân được ổn định, vươn lên rõ nét, tỉ lệ hộ nghèo giảm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ mang nặng tập tục sản xuất lạc hậu, còn ỷ lại, trông chờ Nhà nước, thiếu tính chủ động sản xuất nên nguy cơ tái nghèo và nghèo còn tiếp diễn”.
Trong thời gian đến, để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện phát triển, Đồng Xuân tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và từ nguồn vốn của các chương trình, dự án khác nhau, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hệ thống giao thông, trường học, thủy lợi, điện nước…
ANH NGỌC