Thứ Tư, 27/11/2024 05:37 SA
Thu hồi vốn vay khắc phục bão số 5 năm 1997:
Lời giải nào cho ngân hàng?
Thứ Sáu, 09/03/2007 07:15 SA

Sau cơn bão số 5 kinh hoàng năm 1997, Chính phủ có Quyết định 985 về việc khắc phục hậu quả bằng cách chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại cho ngư dân bị thiệt hại vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và mua ngư cụ. Những tưởng cuộc sống của nhiều ngư dân sẽ ổn định và dư dật, nhưng đến nay, việc thu hồi gần 18 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi) cho vay để đóng mới, sửa chữa 17 con tàu công suất lớn vẫn bế tắc.

 

THỦ TỤC CHO VAY QUÁ “THOÁNG”

 

070309-tau-vay-von.jpg

Hai trong số những chiếc tàu xa bờ được đóng từ vốn vay khắc phục bão số 5 năm 1997 bị thu hồi, đang neo đậu tại cửa sông Đà Rằng ngày càng xuống cấp vì… bán không ai mua! – Ảnh: Đ.NGUYÊN

Theo quy định, Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Phú Yên phối hợp với các ngành chức năng như Sở Thuỷ sản tỉnh, UBND tỉnh và các huyện có tàu thuyền hư hại do bão số 5 lập danh sách cho vay hỗ trợ khắc phục theo lãi suất chỉ định (lãi suất vay ngắn hạn là 0,5%/tháng và trung dài hạn là 0,6%/tháng). Phú Yên là 1 trong 4 tỉnh trọng điểm giải ngân số vốn vay này. Các đối tượng được vay ưu đãi là những người trước đây đã  vay, bây giờ cần có vốn để khôi phục lại sản xuất sau những thiệt hại do bão số 5 gây ra như: tàu thuyền bị chìm, mất mát, hỏng nặng không thể sửa chữa được. Điều kiện cho vay kèm theo là ngư dân phải đóng mới hoặc nâng cấp tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên để phục vụ đánh bắt xa bờ…

Theo quy định, UBND tỉnh sẽ xét duyệt danh sách và mức cho vay cụ thể, do đó ngân hàng chỉ có một nhiệm vụ là giải ngân theo chỉ định của tỉnh. Người vay không cần phải thế chấp tài sản và vay mới không phụ thuộc vào nợ vay cũ mà căn cứ vào tình hình nhu cầu được kê khai từ xã lên huyện, rồi lên tỉnh. Công việc gấp rút, cấp trên tin tưởng cấp dưới nên các hồ sơ đều được xét “chóng vánh”. Chính những người trong hội đồng xét duyệt cũng không biết giá trị thực đóng mới tàu mà chỉ biết “duyệt” theo dự án, vì vậy không ít hộ số tiền vay lớn hơn giá trị con tàu vẫn được chấp nhận.

 

Đến năm 2000, những khiếm khuyết của cơ chế cho vay theo chương trình này bắt đầu xuất hiện. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 1260 ngày 25/12/2000 về việc giãn nợ cho vay khắc phục hậu quả bão số 5 năm 1997 từ 5 năm lên 8 năm. Đây là một cơ chế mới để khắc phục những tồn tại về điều kiện cho vay trước đó. 2 năm sau (năm 2002) Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục ban hành Quyết định số 144 về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn này, trong đó gia hạn nợ tới 12 năm cùng nhiều biện pháp mạnh khác. Tuy nhiên, việc thu hồi vốn và chờ xử lý nợ tồn đọng vẫn  bế tắc.

 

QUÁ NHIỀU LÝ DO ĐỂ KHÔNG TRẢ NỢ

 

Theo đại diện của Chi nhánh Agribank Phú Yên, cho đến nay tổng số nợ  cho vay từ chương trình này đã lên gần 18 tỷ đồng vẫn chưa thu hồi được một đồng nào. Các chủ dự án đưa ra lý do là việc khai thác xa bờ không hiệu quả, thua lỗ, đời sống khó khăn nên không thể trả nợ. Giá nhiên – vật liệu leo thang khiến cho chi phí mỗi chuyến đi biển tăng cao. Trong khi đó giá cá ngừ chỉ ởû mức trên dưới 70.000 đồng/kg nên nhiều chủ tàu không có lãi. Ông Trương Ngọc Ảnh, ở thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) cho biết: “Bao đời nay chỉ đánh bắt ven bờ, nay tiếp cận với đánh bắt xa bờ, ngư dân chúng tôi thường rơi vào tình trạng lúng túng, thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, lúc vay chỉ mới nghĩ đến đóng con tàu là đủ, khi đưa vào sử dụng mới té ngửa ra… thiếu ngư cụ. Mà ngư cụ phục vụ đánh bắt xa bờ loại xoàng nhất cũng 70 triệu đồng, nếu mua các loại ngư cụ hiện đại hơn thì phải vài ba trăm triệu”.

 

Nếu như trước năm 1997, những ngư dân vay vốn ở xã Hòa Hiệp Trung đổi đời từ nghề đi biển thì nay nhiều nhà rơi vào tình thế nợ nần chồng chất không biết khi nào trả cho hết. Ông Ảnh cũng cho biết thêm, cả 5 chiếc tàu đóng mới từ chương trình này ở xã ông không chiếc nào làm ăn có hiệu quả. Vay gần 300 triệu đóng mới con tàu, song mấy năm trở lại đây làm ăn ngày càng thất bại, ông Ảnh khắc khoải: “Mỗi lần nhìn thấy anh em ngân hàng ngại lắm. Ai làm ăn mà chẳng muốn sòng phẳng,  nhưng vì làm ăn nó khó quá nên…”.

 

Theo điều tra của Ban xử lý nợ bão số 5/1997, trong số 17 dự án đóng mới, hoán cải thì chỉ có từ 3 – 4 tàu làm ăn có hiệu quả nhưng cũng chây ỳ không chịu trả nợ vì cho rằng đây là vốn Chính phủ… trợ cấp. Agribank phối hợp với UBND tỉnh thu giữ những con tàu này, đổi chủ sở hữu thu hồi vốn vay, nhưng… gỡ rối lại càng rối… vì việc tổ chức bán đấu giá tốn quá nhiều thời gian nên khi có người cần mua thì chưa có quyết định bán đấu giá, còn khi có quyết định thì chẳng ai mua. Những chiếc tàu thu hồi đang ngày càng xuống cấp vì neo đậu mặc cho nắng mưa dãi dầu ở các cửa sông…

 

NGÂN HÀNG BỨC XÚC

 

Ông Lại Duy Thường, Trưởng phòng Kế hoạch Agribank Phú Yên bê ra chồng văn bản liên quan đến cơn bão số 5 đặt trước mặt chúng tôi. Nhìn chồng hồ sơ nặng trịch bao gồm văn bản từ cấp cao nhất cũng đủ thấy việc thu hồi nguồn vốn này nhiều năm qua đã là nỗi trăn trở không chỉ của một mình ngành ngân hàng. Lãi, gốc không thu hồi được, ngân hàng lại phải chịu nhiều khoảng phí vô bổ. “Mỗi năm ngân hàng phải trả nợ thay dân trên 100 triệu đồng. Điều đó thật không công bằng đối với một ngân hàng thương mại phải thực hiện trọng trách của Chính phủ cho vay theo chỉ định, nay lại phải gánh chịu trách nhiệm” - một lãnh đạo Agribank Phú Yên bức xúc nói.

 

Agribank Phú Yên đã đưa ra giải pháp: Đối với những hộ gặp rủi ro bất khả kháng như tàu bị chìm đắm, mất tích do thiên tai… và những hộ sau khi xử lý bán đấu giá tài sản theo thị trường, nguồn thu không đủ thu nợ, phần dư nợ còn lại người vay không có tài sản và khả năng trả nợ, đề nghị Chính phủ cho xóa nợ bằng nguồn ngân sách Trung ương. Những trường hợp không phải xử lý nợ, kể cả việc cưỡng chế bán tàu đánh cá – tài sản hình thành từ vốn vay, nếu nguồn thu không đủ thì đề nghị không tính lãi đối với hộ vay và không phải trả phí sử dụng vốn kể từ ngày hộ vay giao tài sản cho ngân hàng để xử lý. Những hộ có khả năng trả nhưng cố tình chây ỳ thì chính quyền có biện pháp kiên quyết kể cả phát mại tàu và các tài sản khác để thu hồi.

 

Gần 10 năm trôi qua, nhiều ngư dân vay vốn hỗ trợ khắc phục bão số 5 năm 1997 gánh trên vai một khoản nợ lớn còn ngân hàng – đơn vị ứng cứu kịp thời vốn cho họ cũng nằm trong sự trăn trở chưa được giải tỏa…

 

ĐĂNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều sản phẩm mới cho ngày 8/3
Thứ Tư, 07/03/2007 15:00 CH
Hơn 180ha lúa bị khô hạn
Thứ Tư, 07/03/2007 13:37 CH
Được mùa cá chù bông và cá cơm
Thứ Tư, 07/03/2007 07:21 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek