Trong những năm qua, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) kiểu mới của Tây Hòa không ngừng được củng cố, từng bước ổn định, phát triển.
Các HTXNN đã đáp ứng một phần nhu cầu về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh của người lao động và hộ sản xuất kinh doanh. Các nguồn lực phát triển bước đầu được huy động và đưa vào khai thác. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX từng bước được nâng cao. Chất lượng dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh tế của xã viên được cải thiện. Đóng góp vào hoạt động xã hội cho xã viên và dân cư trong vùng ngày càng nhiều. Đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh ngày càng được chú trọng. Năng lực cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ từng bước được nâng lên. Trình độ tổ chức, quản lý HTX ngày càng tiến bộ, mức độ hợp tác giữa các xã viên ngày càng chặt chẽ trên nguyên tắc tương trợ lẫn nhau và các bên cùng có lợi. Hiện nay, toàn huyện có 14 HTX, trong đó có 11 HTX nông nghiệp – kinh doanh (HTXNN-KD).
Tuy nhiên, phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở Tây Hòa còn nhiều mặt yếu kém, năng lực nội tại hạn chế. HTX tuy có phát triển nhưng chậm, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ HTX chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết các HTX chưa thực sự chủ động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, còn ỷ lại chính quyền. Sự ỷ lại này bắt nguồn từ việc chính quyền địa phương can thiệp quá sâu vào hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh, vào công tác cán bộ của HTX. Và hậu quả là dẫn đến cán bộ quản lý, điều hành HTX ngại đưa ra các quyết định độc lập, dẫn đến mất thời cơ kinh doanh, thậm chí đi ngược lại lợi ích của xã viên.
Do vậy, phát triển HTX kiểu mới trong thời gian đến phải chú ý kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho HTX và phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Để phát triển HTX kiểu mới, theo chúng tôi, phải thực hiện các giải pháp cơ bản dưới đây:
Tuyên truyền vận động người lao động, hộ sản xuất kinh doanh tham gia HTX kiểu mới: Làm cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, tính tất yếu về kinh tế, chính trị, xã hội của kinh tế hợp tác, HTX trong nền kinh tế thị trường; nhận thức rõ về các quan điểm phát triển kinh tế tập thể.
Từng bước củng cố, phát triển và nhân rộng mô hình HTX theo Luật HTX: Vấn đề không đơn giản là tăng số lượng các HTX mà phải là chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX. Do đó, các HTX cần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước khắc phục những thiếu sót trong tổ chức, hoạt động. Việc lựa chọn mô hình không tùy thuộc vào ý nghĩ chủ quan của cấp ủy, chính quyền hay Ban quản trị mà nó phụ thuộc vào các yếu tố: Tình hình phát triển kinh tế hộ của gia đình, tình hình cơ sở vật chất – tài sản của HTX, tiền vốn của HTX, nhu cầu được cung ứng và tình hình thị trường, trình độ quản lý điều hành của Ban quản trị… Do đó, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản trị HTX, mở rộng hoạt động dịch vụ vật tư sản xuất đầu vào. Sản phẩm đầu ra, tín dụng và tìm kiếm thị trường, tạo thuận lợi cho kinh tế hộ phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Liên kết với các thành phần kinh tế khác trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản: Trong điều kiện hiện nay, các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò có tính quyết định đối với 2 lĩnh vực này. Trong mối quan hệ đó, HTX phải đóng vai trò là người đại diện, là cầu nối giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế hộ.
Đổi mới chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX phù hợp với tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, trong đó cần quan tâm một số chính sách sau: Chính sách khoanh nợ, xóa nợ; chính sách đầu tư tài chính; chính sách thuế, chính sách ruộng đất; chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, khoa học và công nghệ; chính sách thị trường; chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ HTX và đào tạo nghề cho người lao động.
Tăng cường hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước đối với HTX: Tập trung kiện toàn bộ máy quản lý chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể tại các cấp theo Chỉ thị số 22/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa tổ chức Đảng, Chính quyền và HTX trên từng địa bàn: Tùy thuộc vào đặc điểm và tình hình của từng xã mà lựa chọn phương pháp tiến hành cho phù hợp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, chính quyền và HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển.
Ths. NGUYỄN HỮU THỌ
PCT UBND huyện Tây Hòa