Trong khi các cơ quan chức năng và các địa phương nỗ lực cho việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thì nhiều người dân chăn nuôi vẫn chưa xem vấn đề này là trách nhiệm của mình.
Phun thuốc sát trùng, tiêu độc thường xuyên tại các điểm chăn nuôi, tiêu hủy gia súc, gia cầm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà của cả người chăn nuôi – Ảnh: L.KHA
THỜ Ơ VỚI DỊCH BỆNH
Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP Tuy Hoà Nguyễn Thị Mùi cho biết, ngày 1/3, BCĐ đã phạt hành chính đối với ba tiểu thương mua bán thịt heo tại chợ trung tâm thành phố vì không có dấu kiểm dịch động vật của cơ quan thú y. Theo bà Mùi đây là những người bán lẻ đầu tiên bị phạt hành chính do không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Thực tế, hiện tượng vi phạm như trên khá phổ biến thời gian qua. Những ngày cuối năm 2006, lực lượng chức năng đã vớt trên sông Đà Rằng tại khu vực phường 6 và phường Phú Lâm 12 bao chứa gia cầm chết thả trôi sông cùng rất nhiều gia cầm chết được thả rải rác xuống các sông suối, kênh mương. Số gia cầm này rất khó có thể lấy mẫu đưa đi kiểm định dịch bệnh vì đã thối rữa.
Một hiện tượng khác, khi phát hiện heo bị bệnh lở mồm long móng (LMLM) nhiều người chăn nuôi không báo cho cơ quan thú y mà gọi tư thương tới bán thịt. Khi tư thương phát hiện ra heo bị LMLM nên mua giá thấp hơn giá hỗ trợ tiêu huỷ của Nhà nước (10.000 đồng/kg) thì mới báo để tiêu huỷ.
CẦN THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Theo Chỉ thị mới nhất của UBND tỉnh, do Phú Yên nằm trong vùng có dịch bệnh LMLM trên gia súc nên từ 1/3, người chăn nuôi gia súc phải tự chịu kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng trên heo thương phẩm. Trường hợp người chăn nuôi không tiêm phòng vắc xin cho gia súc mà để mắc bệnh LMLM thì không những không được hỗ trợ kinh phí khi gia súc bị tiêu hủy mà còn bị xử lý theo quy định.
Người chăn nuôi cần phải xem việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh là việc bắt buộc phải thực hiện và là trách nhiệm của mình vì lợi ích của cộng đồng, trong đó có lợi ích của cá nhân.
LY KHA