Mấy chục năm qua, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp (Tuy An) gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Hiện nguồn nước bà con đang sử dụng là nước mưa.
Người dân thôn Mỹ Phú 1, An Hiệp (Tuy An) tận thu nước mưa từ hệ thống máng hứng để sử dụng - Ảnh: T.TIÊN
THIẾU NƯỚC TRIỀN MIÊN
Thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp (Tuy An) chạy dọc theo bờ đầm Ô Loan và đèo Quán Cau với 526 hộ dân. Từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, khu dân cư này lại bị thiếu nước sinh hoạt, người dân phải đi xin hoặc mua nước về dùng. Những tháng còn lại, bà con sử dụng nước mưa. Theo ông Nguyễn Phẩm ở xóm 12, thôn Mỹ Phú 1, cả xóm 12 có hơn 100 hộ dân thì hộ nào cũng bị thiếu nước vì giếng đào xuống toàn gặp đá, sỏi, không có nước. Ngay cả trong mùa mưa, giếng cũng trơ đáy. “Có gia đình đào tới gần 40m cũng không có nước. Chỉ có hộ ông Tâm đào sâu gần 70m nên có nước dùng. Tuy nhiên, nước cũng rất hạn chế, chỉ đủ cho hộ ông Tâm dùng, mình chẳng dám xin”, ông Phẩm nói.
Thôn Mỹ Phú 1 hiện chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, trong khi đó nước giếng lại khan hiếm nên hầu hết các hộ gia đình phải đi xin nước ở khá xa về dùng. Ông Tô Thiện, một hộ dân ở thôn này cho biết: “Vào mùa khô, mỗi ngày gia đình tôi phải thay phiên nhau đi chở nước ở các hộ dân dưới chân đèo về để sinh hoạt, vất vả vô cùng”. Vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở đây kéo dài trong các tháng mùa nắng nên dịch vụ mua bán nước được “khai sinh”. Ông Thiện cho hay: “Xóm tôi có nhà ông Hiệp làm dịch vụ này. Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con, ông Hiệp dùng xe bục bịch đến thôn Phú Tân 1, xã An Cư mua nước sinh hoạt từ công trình nước của thôn này chở về đây bán cho bà con. Chi phí xăng xe cộng thêm tiền dịch vụ nên giá bán nước bị đội lên cao. Cứ 4 phuy nước (mỗi phuy 120 lít) được ông Hiệp chở đến bán tận nhà có giá 75.000 đồng, ước mỗi khối nước bán theo kiểu này có giá hơn 150.000 đồng. Nước được bán với giá “trên trời” nên nó trở thành loại hàng hóa xa xỉ mà ít ai dám mua.
“SÁNG KIẾN” LẤY NƯỚC
Vì nước khan hiếm nên người dân ở đây đã nảy ra nhiều “sáng kiến” tích trữ nước mưa để sử dụng. Đến thôn Mỹ Phú 1, đặc biệt ở xóm 12, trên đỉnh đèo Quán Cau, có trăm ngôi nhà thì nhà nào cũng có hệ thống thu nước mưa. Bà con ở đây thiết kế hẳn một hệ thống máng hứng quanh nhà để thu nước mưa từ trên mái xuống. Số nước mưa hứng được theo đường ống dẫn vào bể chứa để tích trữ sử dụng. Bà Nguyễn Thị Bảy, ở xóm 12 cho hay: “Mặc dù biết nguồn nước này không đảm bảo cho việc ăn uống nhưng vì không có nước nên chúng tôi cũng phải bấm bụng dùng chứ chẳng biết sao”. Ngoài ra, vào những ngày trời mưa, nhà nào cũng huy động tất cả các loại thau, chậu, xô, thùng để hứng nước mưa. Số nước này được chứa vào các phuy lớn, thùng, can nhựa để dành sử dụng cho mùa khô năm sau.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng thôn Mỹ Phú 1 cho biết: Cả thôn có 526 hộ dân, trong đó chỉ có hơn 100 hộ ở khu vực đền Lê Thành Phương có nước sinh hoạt thường xuyên nhờ nằm ở vị trí có nguồn nước ngầm. Còn lại khoảng 400 hộ thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, bà con phải tận thu nước mưa hoặc đi xin, mua nước mới đủ sinh hoạt trong những tháng nắng. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp, trước thực trạng người dân ở thôn Mỹ Phú 1 bị thiếu nước sinh hoạt, nhiều năm nay địa phương đã liên tục kiến nghị lên cấp trên để xin được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt theo Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nhưng chưa được chấp nhận.
THỦY TIÊN