Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Phát triển lúa chất lượng” vùng Duyên hải miền Trung vừa tổ chức tại Phú Yên, tập trung vấn đề chuyển đổi sản xuất giống lúa chất lượng để tăng giá trị kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu.
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng tại xã Hòa An (Phú Hòa) - Ảnh: H.NAM
GIỐNG LÚA CHẤT LƯỢNG CHIẾM 40%
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2012 vùng Duyên hải miền Trung có diện tích lúa 538.000ha, chiếm 0,7% diện tích lúa cả nước; sản lượng đạt 2,99 triệu tấn, chiếm 0,68% sản lượng lúa cả nước; năng suất lúa bình quân đạt 56,6 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân cả nước 0,8 tạ/ha. Mặc dù diện tích, sản lượng lúa khu vực này không lớn, nhưng đây là vùng có dân số đông, thiên tai thường xuyên đe dọa. Tại các vùng ruộng trũng như Hòa Vang (TP Đà Nẵng); Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam); Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi); Tuy Phước, Phù Cát (Bình Định); Đông Hòa, Tuy An (Phú Yên)… có nguy cơ ngập vào cuối vụ. Vì vậy vấn đề ổn định diện tích sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất lúa là rất quan trọng. Về công tác giống, hằng năm trong vùng có khoảng 800 đến 1.000ha sản xuất hạt giống lúa thường, 300 đến 500ha sản xuất hạt giống lúa lai. Qua đó cho thấy gần 40% diện tích sản xuất lúa trong vùng được sử dụng hạt giống chất lượng. Riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận tỉ lệ sử dụng hạt lúa giống có chất lượng còn thấp hơn. Vìvậy cần đẩy mạnh công tác sản xuất giống có chất lượng, có tính thích nghi cao để tăng năng suất.
Đối với Phú Yên, từ năm 2010 đến 2013, ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa chất lượng, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi mô mình từ 5 đến 20ha tập trung tại các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân và TP Tuy Hòa với tổng diện tích 200ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hàng vụcó đến 40 giống lúa gieo trồng, phần lớn người dân tự để giống trong nhiều năm bị lẫn tạp, thoái hóa. Ông Phạm Văn Thi, Cục Trồng trọt cho biết: Nông dân chưa thực sự quan tâm đến chất lượng lúa gạo, mà chủ yếu chú trọng đến tăng năng suất. Mặt khác, việc gia tăng năng suất lúa với các biện pháp kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ, vẫn mang tính bấp bênh, tùy thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, thời tiết, dịch bệnh. Do vậy, cần thâm canh các giống lúa chất lượng để khai thác, nâng cao giá trị lúa gạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
PHÁT TRIỂN LÚA CHẤT LƯỢNG
Qua khảo nghiệm trong những năm gần đây, vùng Duyên hải miền Trung đưa ra các giống lúa thường có triển vọng như PC6, NH6, DH40, giống lúa lai 3 dòng SYN6, BIO404… Đồng thời áp dụng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, vì khi nông dân thực hiện mô hình phải tuân thủ theo một quy trình sản xuất đó là sử dụng giống lúa xác nhận, áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm. Từ đó nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng giá trị, lợi nhuận.
Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang thực hiện hiệu quả mô hình “1 phải, 5 giảm + 2 không”, tức là phải sử dụng giống cấp xác nhận và giảm lượng giống, giảm phân đạm, giảm lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát trong thu hoạch, không sử dụng giống dài ngày, không gieo sạ ngoài khung lịch thời vụkhuyến cáo. Thông qua mô hình này, nhiều HTX và nông dân học hỏi kỹ thuật mới, đưa giống chất lượng vào sản xuất, bón phân hợp lý, giảm chi phí, hạ giá thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Riêng tại Phú Yên, hiện có gần 600ha đất lúa bị nhiễm mặn tập trung tại các huyện Tuy An, Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Trước tình hình đó, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh triển khai khảo nghiệm 20 giống trong bộ giống lúa chịu mặn tại xã An Ninh Tây (Tuy An). Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của các chuyên gia, có 6 giống chịu được mặn, phát triển tốt và cho năng suất cao, đang tiếp tục khảo nghiệm. Đây là bộ giống do Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao.
Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), lâu nay sản xuất lúa gạo vùng Duyên hải miền Trung tập trung chủyếu phục vụ nhu cầu lương thực, sản phẩm từ gạo phục vụ cho chăn nuôi, hình thức tiêu thụ qua tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Trong thời gian đến, ngành nông nghiệp các tỉnh tăng cường công tác khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, giới thiệu đưa các giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt vào sản xuất. Trước mắt cần chủ động quy hoạch vùng phát triển lúa gạo chất lượng cao, đảm bảo ổn định năng suất, sản lượng. “Đề nghị tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương, nông dân tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Thông qua mô hình làm thay đổi thói quen sử dụng lúa thịt làm giống bằng việc mua giống lúa đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất”, ông Thông nói.
MẠNH HOÀI NAM