Chợ Tuy Hòa có quy mô hoạt động khá lớn, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng khang trang; tuy nhiên chợ vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để xứng tầm là chợ loại 1 của tỉnh.
Bị nước mưa từ khu hàng điện máy tràn qua, tiểu thương hàng kẹp, cài phải thu dọn hàng hóa - Ảnh: K.ANH
NHIỀU KHU VỰC BỊ DỘT
Chợ Tuy Hòa vừa được cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp thoát nước, điện, đường nội bộ... các hạng mục chính cũng được xây dựng theo mô hình chợ loại 1 nhưng hiện nay nhiều khu vực của chợ đã bị hỏng và chưa có cách xử lý.
Tại khu hàng điện dân dụng thuộc đơn nguyên Ngô Quyền, vào mùa mưa, nước chảy từ trên các khe hở ở vách tường xuống, tràn sang các dãy hàng khác nên nhiều tiểu thương phải tự trang bị vật dụng để bảo quản hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ sạp điện dân dụng bức xúc: “Khi trời mưa là sạp hàng của tôi bị dột nước, nhiều đến nỗi có hôm chúng tôi phải thu dọn hàng hóa, đóng cửa sạp. Buổi tối khi về đến nhà, chúng tôi cũng không hết lo vì sợ hàng bị hỏng. Tình trạng này đã xảy ra hơn 2 năm nay. Tiểu thương chúng tôi đã nhiều lần báo lên Ban Quản lý chợ nhưng đến nay sự cố này vẫn chưa được khắc phục”. Còn chị Nguyễn Thị Giàu, chủ sạp hàng kẹp, cài cho biết: “Sạp hàng của tôi nằm ở phía trong các sạp điện dân dụng nhưng cũng bị ảnh hưởng do nước chảy từ khu vực ngoài vào, trong khi hàng của tôi là hàng bằng vải, len… rất dễ hỏng nếu bị thấm nước mưa. Nếu tình trạng này liên tục xảy ra thì không thể kinh doanh được. Ban Quản lý chợ và các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục tình trạng trên để chúng tôi yên tâm mua bán”.
Ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: Ngoài khu hàng điện dân dụng của đơn nguyên Ngô Quyền thì hiện một số khu vực khác thuộc đơn nguyên Lương Văn Chánh cũng bị tình trạng tương tự. Tuy nhiên, muốn khắc phục những vị trí bị hỏng thì cần có kinh phí. Ban Quản lý chợ đã báo cáo lên UBND TP Tuy Hòa, đồng thời cũng đã xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí thực hiện nhưng chưa được phê duyệt. Do đó, Ban Quản lý chợ đã mua xi măng đổ kín các vết nứt, hở nhằm hạn chế sự cố bị nước mưa tràn qua, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để xử lý về lâu dài, Ban Quản lý phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa. Khi được cấp kinh phí, Ban Quản lý sẽ hợp đồng với đơn vị thi công tiến hành sửa chữa.
LỘN XỘN Ở CÁC ĐIỂM DỪNG XE
Chợ Tuy Hòa là đầu mối giao thương buôn bán của tỉnh nên lượng xe ra vào chợ hàng ngày rất lớn. Mặc dù, các điểm giữ xe đã được bố trí ở xung quanh chợ (trên đường Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lương Văn Chánh…) nhưng nhiều tiểu thương, người mua vào chợ vẫn ngang nhiên chạy xe vào các điểm mua bán trong chợ. Điều dễ nhận thấy là nhiều xe máy, xe đạp đỗ tạm bợ trên các vỉa hè, con hẻm, hoặc ngay ở mặt trước của chợ, gây mất trật tự, mỹ quan.
Ông Hà Minh Sơn ở phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Lâu nay, tôi giữ xe ở khu A. Trước đây, vì muốn tạo điều kiện kinh doanh, mua bán cho tiểu thương và người mua nên Ban Quản lý cho phép người dân để xe ở khu vực trước và hai bên chợ, tuy nhiên nhiều người đã bị mất xe khi đỗ xe ở những khu vực này. Chúng tôi đã xin phép Ban Quản lý để mở rộng phạm vi nhà xe, ngăn tường rào giữa khuôn viên chợ và vỉa hè để người dân tập trung gửi xe tại bãi trước khi vào chợ; đặc biệt các tiểu thương bán buôn tại chợ có thể đóng phí theo tháng với mức thu 2.000 đồng/ngày. Điều này vừa bảo vệ tài sản của người dân vừa tạo môi trường văn minh, lịch sự cho khu vực chợ.
Theo ông Nguyễn Chí Xanh, hầu hết những người tham gia giữ xe ở các điểm A, B, C đều là những cán bộ hưu trí, thương binh, người có công, gia đình chính sách. Ban Quản lý không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc mà còn hướng dẫn hình thức quản lý xe tốt nhất. Chính vì thế, Ban Quản lý chợ đồng tình với phương án của các chủ điểm giữ xe nhưng họ phải có kế hoạch cụ thể và trình lên Ban Quản lý xem xét, đồng thời cũng phải chờ quyết định của UBND TP Tuy Hòa.
VÕ PHÊ