Thứ Bảy, 05/10/2024 12:21 CH
Bài 2: Mùa gặt ở Khẩu Kà Boong
Thứ Sáu, 20/09/2013 14:00 CH

Bài 1: Vào rừng trồng lúa nước

Cánh đồng Khẩu Kà Boong nằm chếch về hướng phải trước mặt trụ sở UBND xã Phước Tân (Sơn Hòa). Giữa bạt ngàn rừng thẳm xuất hiện cánh đồng lúa chín vàng, hạt chắc bóng mẩy. Đồng lúa này trước đây chờ mưa “hứng” nước, giờ lúc nào cũng ăm ắp nước tự chảy.

gat-lua130920.jpg

Gặt lúa ở Khẩu Kà Boong, xã Phước Tân (Sơn Hòa)- Ảnh: H.NAM

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hòa cho hay: Hằng năm, trạm đều tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa nước và các cây trồng cạn cho người dân xã Phước Tân. Hiệu quả mang lại là bà con nắm vững khoa học, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo năng suất lúa khi thu hoạch.

Đến Khẩu Kà Boong thuộc thôn Ma Y, xã Phước Tân, một hình ảnh tuyệt đẹp hiện lên, đó là cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt cạnh bìa rừng. Men theo bờ ruộng bậc thang cong vênh, chúng tôi đến đám lúa đang gặt của chị Mang Thị Sô. Lúa gặt đến đâu, mọi người tỉ mẩn bó lại, dồn thành từng đống; gặt xong cùng nhau gánh ra chỗ đặt máy tuốt. Máy phun rơm, còn hạt lúa tuôn ra thúng trông bóng mẩy, mọi người hối hả chuyển vô bao, mang về nhà. “Trước đây làm lúa rẫy, gùi từng bó lúa chất trong chòi, dùng chân đạp chảy máu chân gần một tuần mới xong. Nay có máy rồi, chỉ sau 1 giờ là tuốt xong cả đống lúa chất cao”, chị Sô nói.

Các chị La Thị Mai, La Thị Lý đang gặt lúa vần công với chị Sô cùng chung niềm vui vì ai cũng có ruộng lúa nước được mùa tại cánh đồng này. “Bây giờ thì đồng bào ở đây làm lúa nước “thạo” lắm rồi, từ khâu cày bừa, ngâm ủ giống, bón phân... Sau khi thu hoạch, hạt lúa đem về nhà, phơi khô chở đi máy gạo (xay xát) rồi chở về đựng trong lu; sáng, trưa, chiều có sẵn gạo nấu ăn chứ không phải vất vả giã gạo bằng cối hằng ngày. Trước đây nhà nào cũng thức đêm giã gạo thì nay hàng ngàn hạt gạo từ máy xay xát cứ thế tuôn ra trắng ngần”, chị Lý nói.

Cách đây trên 5 năm, dòng nước suối Khẩu Kà Boong quanh năm thản nhiên chảy ra sông Cà Lúi rồi nhập vào sông Ba. Trong khi đó, các chân ruộng nằm cạnh suối từng ngày chờ mưa “hứng” nước, nên hết mùa mưa là ruộng khô khốc, bỏ hoang hóa. Năm 2002, Ban Quản lý dự án Chương trình 134, 135 (nay là Phòng Dân tộc Sơn Hòa) đầu tư kinh phí ngăn đập, bà con ở đây chung sức làm mương “chia nhánh” để đưa nước chảy vào những con mương nhỏ tưới ruộng. Có những đám ruộng khi cày trúng đá, bà con dốc sức nạy lên lấy đất để sạ lúa. Thấy làm lúa nước có lợi, những gia đình trong thôn vần công cải tạo ruộng gò (ruộng cao) thành ruộng lúa nước. Trước đây cày bò, hì hục cả ngày mới xong đám ruộng, nay đã có “trâu sắt” về buôn, cày đám này sang đám khác trong vòng 1 buổi.

Ông Ma Màng có 2 sào ruộng trước đây chờ mưa “hứng” nước trời gieo lúa. Thời điểm xuống giống, đám nào be bờ kỹ thì có nước cày bừa, đám nào cao thiếu nước thì gieo khô (cày đất rồi vãi lúa bừa lấp hạt). Năm gặp nắng hạn, lúa và cỏ thi nhau mọc xen kẽ, khi trổ gié lúa ngắn ngủn. Từ khi “hạ độ cao” đám ruộng, lấy được nước suối Khẩu Kà Boong, ruộng của ông lúc nào cũng ngập nước, lúa xanh tươi.

Cũng chính vì thế, lúc trước chỉ có 3-4 thửa ruộng nằm cạnh con suối mới hưởng dòng nước tự chảy Khẩu Kà Boong. Sau một thời gian cải tạo đất, diện tích làm lúa nước ở Khẩu Kà Boong lên đến gần 1,2ha. Trên cánh đồng còn “sót” lại một vài tảng đá to nhô lên xung quanh lúa chín vàng, cho thấy sự cần cù chịu khó cải tạo đất để trồng lúa nước của bà con vùng cao nơi đây.

Làm lúa nước phải nắm bắt khoa học, kỹ thuật, vì thế Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hòa đã mở các lớp tập huấn cách trồng, chăm sóc lúa nước theo chương trình IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp cây lúa) cho bà con. Ông Ma Thiệu, người ở thôn Ma Y, nói: “Lúc đầu trồng lúa nước, sau khi sạ 3 ngày cây lúa “ngồi” được, chiều nào tôi cũng ra thăm đồng gặp người trong thôn cùng tập huấn chương trình khuyến nông là cùng ngồi lại trên bờ ruộng bàn tán chuyện trồng lúa. Từ học lý thuyết đến khi ra ruộng áp dụng thực tế, cách phòng trừ sâu bệnh, người nhớ cách này người nhớ cách khác, rồi đưa ra gộp lại thành kiến thức chung”. Cũng theo ông Thiệu, làm lúa nước cũng không ngừng học vì hàng năm có giống mới đưa về nên phải nắm bắt đặc điểm riêng của từng giống lúa. Cũng chính vì thế, màu xanh Khẩu Kà Boong bao năm qua phả vào lòng bà con dân tộc thiểu số Chăm H’Roi ở đây một cái gì đó thật là tha thiết, thật là máu thịt.

Vượt qua nhiều dốc cao vào buôn Gia Trụ, trước mắt chúng tôi lại xuất hiện cánh đồng lúa xanh ngát giữa vùng rừng núi bạt ngàn. Nước từ đập dâng dưới chân núi Eo Gió đổ về tưới mát đồng ruộng này, cho bà con no bụng. Làm được lúa nước, bà con trong buôn không phải nhọc nhằn lên rừng, sống nhờ vào rừng. Khi có lúa nước, bà con ở đây bỏ hẳn việc phát rừng làm rẫy. Trước đây để có khoảnh rẫy trỉa lúa, người dân ở đây phải chọn khu rừng tốt, cây to để phát rẫy. Chính vì vậy nhiều khu vực rừng già khu hòn Ông Lớn (thôn Gia Trụ) mất dần theo thời gian.

Câu chuyện đó giờ đã trở thành dĩ vãng, vì hiện tại nhiều người dân Phước Tân đã làm lúa nước. Từ mô hình trồng lúa nước đầu tiên ở Khẩu Kà Boong có hiệu quả, Phòng Dân tộc Sơn Hòa đầu tư xây dựng thêm 2 đập dâng Gia Trụ và Đá Bàn, mở rộng diện tích trồng lúa nước toàn xã Phước Tân lên đến 45ha. Có được lương thực không lo cái đói nữa; đất rẫy được bà con trồng mía, trồng sắn, nuôi thêm con bò mà cuộc sống dần khá lên.

Bài cuối: Cánh đồng mẫu trên đất núi

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek