Được Nhà nước giao quản lý vốn, tài sản để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng suốt thời gian dài, Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô (Công ty Cảng Vũng Rô) đã có những sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là buông lỏng quản lý tài chính, dẫn đến việc bị chiếm dụng hàng chục tỉ đồng, khó có khả năng thu hồi.
Trụ sở Công ty Cảng Vũng Rô đã được thế chấp cho ngân hàng - Ảnh: H.TRUNG
NỢ LỚN, KHÓ ĐÒI
Công ty Cảng Vũng Rô là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở Phú Yên. Từ nhiều năm nay, chi nhánh của doanh nghiệp này tại TP Hồ Chí Minh có quan hệ mua bán với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Lộc (Công ty Đại Lộc) trụ sở tại số 01 đường 1A, Khu công nghiệp Đồng An, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hai bên ký các hợp đồng mua bán sợi và vải; Công ty Cảng Vũng Rô vay ngân hàng mua sợi về bán cho Công ty Đại Lộc sản xuất vải, các loại vải mà Công ty Đại Lộc làm ra chủ yếu bán lại cho Công ty Cảng Vũng Rô. Điều bất thường trong quan hệ giữa 2 đơn vị là suốt thời gian dài Công ty Cảng Vũng Rô không thực hiện đầy đủ và sòng phẳng việc thu hồi nợ, buông lỏng công tác quản lý công nợ, nhất là nợ phải thu đối với Công ty Đại Lộc. Trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa, Công ty Cảng Vũng Rô quá dễ dãi đối với Công ty Đại Lộc trong khâu thanh toán. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Phú Yên, đến cuối năm 2012, Công ty Cảng Vũng Rô đã trả hết nợ cho Công ty Đại Lộc; trong khi đó, Công ty Đại Lộc còn nợ Công ty Cảng Vũng Rô hơn 53,5 tỉ đồng. Mặc dù vậy, Công ty Cảng Vũng Rô lại không có các biện pháp tích cực để thu hồi nợ nên xảy ra tình trạng vốn của đơn vị này bị Công ty Đại Lộc chiếm dụng. Số tiền chiếm dụng tăng dần theo từng năm, liên tục từ năm 2008 đến năm 2012. Để có tiền trả nợ cho Công ty Đại Lộc, trong khoảng thời gian này, Công ty Cảng Vũng Rô phải thế chấp tài sản hình thành từ ngân sách và vốn khác để vay ngân hàng hơn 107,6 tỉ đồng. Đến cuối năm 2012, Công ty Cảng Vũng Rô vẫn còn nợ 2 chi nhánh ngân hàng thương mại tại Phú Yên hơn 35 tỉ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, lẽ ra việc thu nợ và khấu trừ nợ phải được thực hiện dứt điểm theo từng năm và từ năm 2008 đến năm 2012, Công ty Cảng Vũng Rô chỉ cần vay hơn 54 tỉ đồng trả nợ cho Công ty Đại Lộc. Thế nhưng, Công ty Cảng Vũng Rô đã không làm như vậy. Sau khi cấn trừ công nợ với Công ty Hưng Gia Nguyễn (một trong những đối tác của 2 bên) vào đầu năm 2013, Công ty Đại Lộc còn nợ Công ty Cảng Vũng Rô gần 50 tỉ đồng. Ngoài ra, trong quá trình quan hệ mua bán, trên hợp đồng và phụ kiện hợp đồng có ghi bên B (Công ty Đại Lộc) thanh toán cho bên A (Công ty Cảng Vũng Rô) trong vòng 150 ngày nhưng nhiều hợp đồng, bên B không thực hiện đúng, bên A lại không có văn bản nào đôn đốc, thu hồi nợ, buộc Công ty Đại Lộc phải thực hiện đúng và trả nợ cho Công ty Cảng Vũng Rô.
NHIỀU SAI PHẠM
Qua thanh tra Công ty Cảng Vũng Rô, hoạt động của doanh nghiệp này, đặc biệt là chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2008 đến năm 2012 có nhiều sai phạm. Trong việc vay vốn của các ngân hàng, Công ty Cảng Vũng Rô đã sử dụng toàn bộ những tài sản như đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, phương tiện vận tải được hình thành từ vốn ngân sách, vốn vay, vốn khác để thế chấp nhưng chưa được chấp thuận của chủ sở hữu là UBND tỉnh. Trong các hợp đồng thế chấp và hợp đồng vay, có hai hợp đồng vượt 30% so với giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính năm 2011.
Công ty Cảng Vũng Rô là một doanh nghiệp Nhà nước nhưng trong quan hệ mua bán với Công ty Đại Lộc, đơn vị này lại trở thành một “ngân hàng” khi nhận thế chấp tài sản và hàng hóa bao gồm máy móc và vải. Tuy nhiên, giá trị tài sản thể hiện trên hợp đồng thế chấp ký giữa 2 bên vào tháng 7/2012 lại không phải là giá trị tại thời điểm ký hợp đồng mà dựa vào chứng thư do Công ty Đại Lộc hợp đồng với Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam lập vào ngày 25/11/2011. Theo Thanh tra tỉnh Phú Yên, chứng thư này chỉ dùng để làm cơ sở vay vốn ngân hàng và đã hết hiệu lực của kết quả thẩm định giá. Tổng giá trị tài sản của Công ty Đại Lộc được thẩm định hơn 29 tỉ đồng, quá cao so với nguyên giá tài sản được xác định trên sổ sách của Công ty Đại Lộc là hơn 22,5 tỉ đồng. Hiện giá trị còn lại của số tài sản mà Công ty Đại Lộc thế chấp cho Công ty Cảng Vũng Rô chỉ gần 3,8 tỉ đồng. Hợp đồng thế chấp tài sản lại không có công chứng Nhà nước, chính quyền địa phương chứng thực, không có bản đăng ký thế chấp tài sản tại cơ quan có thẩm quyền. Đối với số hàng hóa mà Công ty Đại Lộc thế chấp cho Công ty Cảng Vũng Rô, đến thời điểm kiểm tra lần 2 vào ngày 8/3/2013 của Thanh tra tỉnh thì Công ty Đại Lộc không còn vải các loại tồn kho. Doanh nghiệp này cũng đã hoàn toàn ngưng hoạt động do không có tiền để mua sợi tiếp tục sản xuất. Do đó, kết luận thanh tra nhận định Công ty Cảng Vũng Rô không có khả năng thu hồi được nợ của Công ty Đại Lộc.
HOÀI TRUNG