Thứ Sáu, 04/10/2024 20:20 CH
Quản lý sản xuất và kinh doanh rượu:
Nhiều khó khăn
Thứ Tư, 21/08/2013 14:00 CH

Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và hạn chế rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện Nghị định 94 ở Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn.

 

ruou-130821.jpg

Một cửa hàng bán rượu ở đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.ANH

NGƯỜI DÂN THỜ Ơ

 

Theo Nghị định 94 của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải đáp ứng các điều kiện như: giấy phép sản xuất, kinh doanh; sản xuất rượu phải có đăng ký chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; các sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu… nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, phân phối và bán lẻ rượu trên thị trường. Sau gần 1 năm triển khai, các hộ sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là những hộ nấu rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu vẫn khá thờ ơ, thậm chí nhiều hộ vẫn chưa biết đến nghị định này.

 

Hiện tại, ở các địa phương có rất nhiều hộ dân nấu rượu theo hình thức thủ công trong các khu dân cư. Các hộ này chủ yếu tận dụng gạo sẵn có, nấu rượu bán lẻ và lấy bã rượu để nuôi heo. Tuy nhiên, khi được hỏi về các điều kiện sản xuất, kinh doanh rượu thì không ai biết. Bà Nguyễn Thị Hà ở phường 9, TP Tuy Hòa cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn nấu rượu bán cho người dân quanh xóm. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhu cầu sử dụng rượu rất ít, mỗi tháng tôi chỉ nấu khoảng hơn 10 lít, chủ yếu để tận dụng hèm (bã) rượu nuôi heo”. Còn bà Phan Thị Phượng, bán hàng tạp hóa tại xã An Cư, huyện Tuy An nói: “Thời gian gần đây, rượu tiêu thụ rất chậm. Với lại rượu chủ yếu do các hộ trong xóm tự làm rồi cung cấp, đâu có làm to lớn gì mà phải giấy phép với hợp đồng”.

 

Trong năm qua, cả nước xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc, khiến nhiều người lo lắng khi sử dụng loại thức uống này. Việc quản lý nguồn gốc, chất lượng rượu chưa được quan tâm đúng mức. Tại các quán tạp hóa, quán ăn, các loại rượu nấu theo hình thức thủ công, rượu không nhãn mác, xuất xứ vẫn được bày bán rất phổ biến. Còn người tiêu dùng thì ít khi quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của rượu. Anh Vương Trọng Tấn ở phường 9, TP Tuy Hòa cho biết: “Thỉnh thoảng có việc tôi vẫn mua rượu tại các quán tạp hóa gần nhà về uống với anh em, chỉ cần rượu ngon là được chứ cần gì biết ai làm, làm ở đâu. Rượu ở quê chủ yếu là rượu nấu truyền thống nên chắc không có vấn đề gì”.

 

NGÀNH CHỨC NĂNG KHÓ QUẢN LÝ

 

Theo thống kê của Sở Công thương Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp đăng ký bán buôn rượu, 129 điểm đăng ký bán lẻ rượu và 6 cơ sở đăng ký sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, số hộ dân nấu rượu theo hình thức thủ công có quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư còn rất nhiều nhưng các địa phương chưa thể thống kê hết được. Đầu năm 2013, Sở Công thương triển khai thực hiện Nghị định 94 đến phòng kinh tế hạ tầng các huyện, yêu cầu các huyện phổ biến Nghị định 94 đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Đồng thời tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định và cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu và báo cáo lên Sở Công thương trước ngày 31/12 hàng năm.

 

Ngay sau khi Sở Công thương triển khai thực hiện Nghị định 94, các địa phương đã triển khai xuống các xã. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định theo nghị định này rất khó khăn; nhiều địa phương còn khá lúng túng trong việc tuyên truyền các hộ dân thực hiện theo quy định của Nghị định 94. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy An cho biết: Hiện cả huyện Tuy An có trên 50 hộ nấu rượu theo hình thức thủ công nhưng chưa có hộ nào có giấy phép đăng ký sản xuất rượu, khoảng 1.000 hộ bán lẻ rượu, nằm rải rác ở khắp các xã, nhưng chỉ có 6 hộ được cấp phép bán lẻ rượu. Tuy nhiên, việc yêu cầu các hộ dân này đăng ký sản xuất, kinh doanh rượu là rất khó khăn vì hầu hết các hộ này chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ, không liên tục. Bình quân, mỗi gia đình chỉ nấu khoảng 10 lít rượu/tháng. Còn các hộ bán lẻ rượu cũng chỉ bán kèm thêm ở các cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu lễ tết, cưới hỏi, ma chay ở các vùng quê, số lượng không đáng kể nên rất khó yêu cầu các hộ dân làm giấy phép kinh doanh rượu.

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương Phú Yên, việc triển khai Nghị định 94/2012/NĐ-CP đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với việc sản xuất rượu thủ công mà hiện nay các địa phương đang rất khó quản lý. Thời gian đến, Sở Công thương tiếp tục triển khai việc thực hiện nghị định này đến các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền để tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh biết và thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh rượu trong các đợt kiểm tra thị trường; kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm… để hạn chế các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. Sở Công thương cũng khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nơi sản xuất để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek