Từ đầu năm đến nay, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên liên tục ở mức âm. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang nỗ lực tìm cách đẩy vốn ra thị trường.
Các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đang nỗ lực đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO
NHU CẦU VAY HẠN CHẾ
Trong 7 tháng đầu năm 2013, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vì thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa khởi sắc, khả năng hấp thụ vốn còn yếu nên doanh nghiệp vẫn ngại vay.
Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hòa Lâm cho biết: Đầu năm nay, đơn vị thiếu khoảng 5 tỉ đồng để mua điều nguyên liệu dự trữ cho sản xuất cả năm. Tuy nhiên, vì không còn tài sản đảm bảo nên ngân hàng không cho vay. Trong tình cảnh đó, công ty đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, giải phóng hàng tồn kho, quay vòng vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh. Đến nay, doanh nghiệp đã tự chủ được dòng tiền, đảm bảo năng lực hoạt động nên không có nhu cầu vay vốn. Theo bà Yến, trước đây, nhiều doanh nghiệp chạy đua phát triển sản xuất, kinh doanh trong khi vốn tự có ít, hoạt động phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng nên khi các tổ chức tín dụng siết hoạt động cho vay thì doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Rút kinh nghiệm sau khủng hoảng, doanh nghiệp chủ trương phát triển chậm mà chắc, theo đúng tiềm lực của đơn vị.
Còn theo bà Huỳnh Thị Ngữ, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hiệp Thành, thời gian qua, cán bộ tín dụng của một số ngân hàng đến chào mời vay vốn nhưng do không có nhu cầu nên đơn vị không vay. Hiện thị trường bất động sản, xây dựng ở Phú Yên vẫn chưa “ấm” lên nên các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngành vật liệu xây dựng chưa hết khó. Thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại nguồn vốn, cân đối hoạt động để cầm cự qua giai đoạn khó khăn chứ không dám mở rộng kinh doanh. Người mạnh dạn đầu tư mới cũng chỉ sử dụng vốn tự có và chờ đợi thời cơ chứ không muốn vay ngân hàng để gánh nợ khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. “Để đảm bảo hoạt động ổn định, hiện cửa hàng vật liệu xây dựng Hiệp Thành chủ yếu bán cho khách hàng quen hoặc những đơn vị trả tiền liền; đồng thời tích cực thu hồi nợ cũ để nhanh quay vòng vốn”, bà Ngữ nói.
Theo cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa, hiện nhân viên ngân hàng phải chịu rất nhiều áp lực trong việc tìm kiếm khách hàng vay. Mỗi ngày, bên cạnh việc chăm sóc các khách hàng cũ, cán bộ tín dụng còn phải đến từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh để chào mời vay vốn. Tuy nhiên, sau khi trải qua thời kỳ khó khăn, doanh nghiệp nào trụ vững, còn kinh doanh hiệu quả, đa phần đều tự cân đối được vốn để hoạt động nên không muốn nhận nợ.
THIẾU “KÊNH” ĐẨY VỐN
Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: “So với cách đây hơn 1 năm, lãi suất cho vay vào thời điểm này đã giảm đáng kể. Bên cạnh việc áp dụng lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Nhà nước, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên còn áp dụng nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi cho từng nhóm đối tượng khách hàng của đơn vị; trong đó, khách hàng tốt có thể được vay với lãi suất từ 7 đến 8%/năm. Tuy nhiên, đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn đang vất vả đẩy vốn qua “cửa” hẹp”.
Theo ông Hàn, hiện một số tỉnh, thành phố có nguồn ngân sách dồi dào sẵn sàng bỏ tiền để bảo lãnh tín dụng, giúp những doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng mũi nhọn của địa phương phát triển. Tại Phú Yên, vì ngân sách còn khó khăn nên tỉnh chưa thể thực hiện điều này. Trong những tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ có một số ngành hàng hoạt động ổn định như may xuất khẩu, đường kết tinh, bia, nước giải khát, thuốc viên… Các ngành hàng chủ lực còn lại như chế biến hạt điều, nông - lâm - thủy sản, xi măng… đều gặp khó khăn do tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, giá cả bấp bênh; hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của Phú Yên 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 45,6 triệu USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy rằng, mặc dù các ngân hàng đã rất nỗ lực tìm kiếm khách hàng để cho vay nhưng các “kênh” đẩy vốn gần như bế tắc. Hiện những doanh nghiệp tốt được ngân hàng săn đón thì không có nhu cầu vay hoặc vay rất hạn chế; còn doanh nghiệp muốn vay nhưng do không đáp ứng đủ điều kiện tín dụng nên ngân hàng cũng không thể cho vay.
NỖ LỰC TÌM KIẾM KHÁCH HÀNG
Theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, khả năng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hạn chế thì việc phát triển khách hàng mới là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của chi nhánh. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm đến nay, VietinBank Phú Yên đã phát triển được 519 khách hàng mới và khách hàng đã ngưng giao dịch từ lâu về giao dịch lại. Tổng dư nợ của các đối tượng này gần 177,5 tỉ đồng; trong đó, dư nợ khách hàng mới là doanh nghiệp đạt 85,4 tỉ đồng, số còn lại là dư nợ của 490 khách hàng cá nhân.
Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên cho biết: “Đơn vị giao chỉ tiêu tìm kiếm khách hàng vay đến từng cán bộ tín dụng. Ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp có dự án tốt, phương án kinh doanh hiệu quả để chào mời vay vốn. Ngoài ra, Agribank Phú Yên đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng, tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng hài lòng khi giao dịch tại đơn vị”. Theo ông Mẫn, hiện nhu cầu vay của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Phú Yên giảm hẳn so với trước. Ngân hàng đang bám sát kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để có định hướng đầu tư phù hợp; đồng thời tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và hệ thống. Đến nay, dư nợ của Agribank Phú Yên đạt khoảng 3.162,5 tỉ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm; trong đó, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn gần 2.614 tỉ đồng, chiếm 83% tổng dư nợ, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng tín dụng của đơn vị.
Các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung vào khối khách hàng cá nhân để tăng trưởng dư nợ. Theo ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Phú Yên, hiện ngân hàng đang thừa vốn, nhưng rất khó tìm được khách hàng doanh nghiệp đủ điều kiện để cho vay. DongA Bank Phú Yên phải “năng nhặt chặt bị” bằng cách chủ động tìm kiếm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Từ đầu năm đến nay, mặc dù dư nợ của đơn vị giảm nhưng dư nợ khối khách hàng cá nhân vẫn phát triển tốt.
ĐẦU TƯ NHỮNG DỰ ÁN LỚN
Ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tuy nhiên, doanh số thu nợ và thu hồi nợ xấu còn cao hơn nên tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên vẫn âm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 10 đến 12% và hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng riêng, từng ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm những dự án lớn để đầu tư. Theo ông Trần Văn Chương, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên, những tháng đầu năm, dư nợ của ngân hàng bị giảm một phần do đơn vị đang tích cực xử lý nợ xấu, củng cố chất lượng tín dụng. BIDV Phú Yên đang xem xét cho Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV vay vốn để thực hiện dự án Nhà máy tinh bột sắn Phú Túc nhằm đẩy vốn tín dụng.
Hiện VietinBank ký hợp đồng tài trợ vốn cho một số dự án lớn ở Phú Yên và khu vực lân cận như Hầm đường bộ qua đèo Cả, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa; trong số này, VietinBank Phú Yên đầu tư gần 300 tỉ đồng. Vừa qua, VietinBank Phú Yên cũng đã giải ngân 80/220 tỉ đồng cho Công ty cổ phần VRG Phú Yên hoàn thiện những hạng mục còn lại của Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 (Đồng Xuân). Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Phú Yên đang xin Ngân hàng Nhà nước mở “room” tín dụng cho Công ty Truyền tải điện 3 vay 200 tỉ đồng để đầu tư các dự án ở khu vực miền Trung. Còn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Phú Yên thì đã xin được hạn mức cấp tín dụng cho Công ty Điện lực Phú Yên 29 tỉ đồng và đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cho đơn vị này vay thêm 7 tỉ đồng nữa.
“Tháng 7/2013 ghi nhận sự tăng trưởng trở lại của dư nợ tín dụng ở Phú Yên với mức tăng hơn 100 tỉ đồng. Tuy con số này còn khá thấp nhưng đây là một nỗ lực lớn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Cùng với những biện pháp tích cực trong việc tìm kiếm khách hàng để phát triển dư nợ, tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ngành Ngân hàng Phú Yên hy vọng sẽ tạo được bước đột phá trong tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm”, ông Khố nói.
Năm 2013, ngành Ngân hàng Phú Yên phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 10 đến 12%. Tính ra, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phải tăng hơn 2% mới đạt được mục tiêu đề ra. Theo Sở KH-ĐT, thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhưng hoạt động của các doanh nghiệp ở Phú Yên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, toàn tỉnh có 75 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 71 doanh nghiệp giải thể; 6 tháng đầu năm nay có 60 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 36 doanh nghiệp giải thể. Đến nay, Phú Yên có 2.568 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 10.500 tỉ đồng; trong đó, 1.334 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh với dư nợ 5.141 tỉ đồng. |
LÊ HẢO