Thứ Hai, 25/11/2024 06:30 SA
Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Thứ Bảy, 20/07/2013 08:15 SA

Thời gian qua, nhiều vụ mua bán liên quan đến một số loại hàng hóa có chứa chất độc hại, hàng giả, nhái, kém chất lượng mang nhãn hiệu Trung Quốc liên tục diễn ra gây hoang man cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Phú Yên chưa được quan tâm đúng mức, người tiêu dùng còn bị thiệt hại và chưa được bảo vệ chính đáng.

 

NTD-130720.jpg

Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại một quầy trái cây trên đường Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.ANH

NHIỀU VỤ VI PHẠM

 

Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có đến 12 vụ kinh doanh hàng cấm, 18 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, 5 vụ mua bán hàng giả, 24 vụ bán hàng quá hạn sử dụng, 145 vụ vi phạm niêm yết giá... Thực tế cho thấy, người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều tác hại khó lường, và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các loại hàng hóa trên. Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở 1 tiệm bánh thuộc phường 5 (TP Tuy Hòa) làm gần 30 người phải nhập viện; hay vụ 26 tấn khoai tây Trung Quốc có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng an toàn cho phép nhưng có giấy kiểm dịch hợp pháp; gừng nhập khẩu từ Trung Quốc sử dụng thuốc trừ sâu Aldicarb; một số loại rau có chứa thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép như rau ngót, rau muống; nhiều trường hợp sang, chiết gas giả hoặc mũ bảo hiểm kém chất lượng có dấu CR… càng khiến nhiều người dân băn khoăn.

 

Bà Đặng Thị Kim Hoàng, ở phường 4 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Hiện, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng xuất hiện nhiều nơi trên thị trường, từ thành thị đến nông thôn. Mới đây, gia đình tôi mua 1 điện thoại di động ở 1 cửa hàng bán điện thoại tại phường 5 (TP Tuy Hòa) với giá hơn 1,6 triệu đồng. Chưa hết thời gian bảo hành nhưng điện thoại bị trục trặc. Chúng tôi mang đến tiệm sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục được sự cố, máy liên tục bị hỏng, đổi hoặc trả lại đều không được. Chúng tôi cũng đành chịu vì chẳng biết phản ánh với cơ quan nào”. Còn anh Nguyễn Quốc Bảo ở phường 3 (TP Tuy Hòa) nói: “Tôi không rõ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi gặp sự cố, không biết ai là người bảo vệ chúng tôi và cũng không tìm được cơ quan nào để trình bày khiếu nại. Theo tôi, muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng phải mạnh tay trong công tác quản lý nghiêm các trường hợp kinh doanh không đúng quy định, phòng chống hàng giả, kém chất lượng ngay từ khâu kiểm soát hàng hóa trước khi để người bán cung cấp cho người tiêu dùng. Bởi không phải bất kỳ việc to hay nhỏ chúng tôi đều mạnh dạn báo cáo, khiếu kiện vì ngại phải qua nhiều khâu, rắc rối lắm. Do đó, phần lớn chúng tôi đều cho qua chuyện”.

 

NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ

 

Hiện nay, do công tác quản lý kinh doanh, mua bán, kiểm tra thị trường của các cơ quan chuyên trách chưa được chặt chẽ nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm đến sức khỏe của người dân. Tình trạng hàng giả, nhái, quá hạn sử dụng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm… vẫn cứ tràn lan và người tiêu dùng luôn là nạn nhân của các sự việc trên. Kinh tế thị trường đang phát triển, người dân được tự do mua bán nên vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng trở nên cấp thiết. Chị Nguyễn Thị Lệ Hiền, nhân viên một công ty tư nhân ở TP Tuy Hòa bày tỏ: “Mong muốn lớn nhất của người tiêu dùng chúng tôi là các cơ quan chức năng, tổ chức phải chủ động trong việc nắm bắt thông tin, theo sát các vụ việc có liên quan đến người tiêu dùng, không phải chỉ chờ có đơn khiếu nại mới bắt đầu điều tra, giải quyết. Các cơ quan chức năng phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng, là chỗ dựa vững chắc để người dân mạnh dạng đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của bản thân”.

 

Ông Đào Tứ Xuyên, nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: Trước đây, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh không được nhiều người biết đến bởi chưa phát huy hết vai trò của đơn vị, hiệu quả của công tác này còn nhiều hạn chế. Hội chưa tuyên truyền, phổ biết sâu rộng đến người tiêu dùng, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… Hội chưa mạnh dạn, triệt để trong việc xử lý, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, chức năng của các đơn vị quản lý chưa được quy định rõ ràng nên người tiêu dùng tỏ ra lúng túng khi lựa chọn cơ quan để gửi đơn khiếu kiện là Sở KH-CN hay Sở Công thương.

 

Theo Sở Công thương, trong thời gian đến, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh sẽ được củng cố, ổn định bộ máy hoạt động. Khi đó, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng, doanh nghiệp về quyền và trách nhiệm của họ; phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý có liên quan để kịp thời giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến người tiêu dùng, phát huy hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đơn vị sẽ tổ chức đường dây nóng để hỗ trợ người dân, khuyến khích việc phát hiện, tố cáo tiêu cực trong thương mại… khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, góp phần ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek