²Tiêu thụ lúa giống sau thu hoạch đang là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp, các HTX. Tại HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (HTX Nam An Nghiệp), huyện Tuy An, nhờ Ban quản trị HTX triển khai hợp tác với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm trước khi mở rộng diện tích sản xuất nên việc tiêu thụ lúa giống tương đối dễ dàng.
Cánh đồng HTX Nam An Nghiệp đảm bảo cung cấp đủ sản lượng lúa giống có chất lượng theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp - Ảnh: M.DUYÊN
Nam An Nghiệp là một HTX sản xuất nông nghiệp thuần túy, với 685 hộ xã viên, nguồn thu nhập chính chủ yếu từ cây lúa. Điều này đặt ra cho Ban quản trị HTX phải làm sao cho cây lúa không chỉ đảm bảo nguồn lương thực cho đời sống hàng ngày của xã viên mà còn tạo ra thu nhập, có tích lũy cải thiện cuộc sống xã viên. Thời gian gần đây, HTX đã thành công khi biến hạt lúa làm sản phẩm hàng hóa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Mặc dù chưa có nhãn hiệu lúa giống độc quyền như HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (Phú Hòa) nhưng chất lượng lúa giống của HTX Nam An Nghiệp luôn được các bạn hàng trong và ngoài tỉnh tin cậy, chọn bao tiêu lâu dài.
Bắt tay vào sản xuất lúa giống từ năm 2003 với 5ha, theo chương trình giống nông hộ do Chính phủ Canada tài trợ, đến nay HTX mở rộng diện tích sản xuất lên 40ha (lúa 2 vụ). Trong đó, có 30ha được Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT của tỉnh Quảng Ngãi hợp đồng tiêu thụ. 10ha còn lại được HTX hợp tác với Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, theo hình thức mỗi bên góp vốn 50% (HTX Nam An Nghiệp chịu toàn bộ khâu sản xuất, chế biến lúa giống, Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên thực hiện khâu tiêu thụ). Hiện HTX đang sản xuất và tiêu thụ các loại lúa giống Q5, ML49, ML48, TH6, DDV108…. với giá 7.420 đồng/kg. Mỗi năm HTX sản xuất và tiêu thụ từ 300 đến 400 tấn lúa giống, lãi từ 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Việc sản xuất lúa giống giúp tăng thu nhập cho xã viên khoảng 10 đến 13 triệu đồng/ha so với lúa thịt. Ngoài ra, nguồn lãi từ sản xuất kinh doanh lúa giống giúp HTX chi trả 50 đến 60% tổng tiền lương cho cán bộ HTX.
Ông Nguyễn Đắc Khải, Phó chủ nhiệm HTX Nam An Nghiệp cho biết, để có được giống lúa đạt chất lượng, Ban quản trị HTX đã đầu tư xây dựng quy trình sản xuất lúa giống, tập trung vào công tác khuyến nông và trang thiết bị khoa học kỹ thuật. Năm 2010, HTX đầu tư 30 triệu đồng mua 2 máy khử lẫn làm sạch lúa giống trước khi xuất bán. Đồng thời, HTX thường xuyên phối hợp các ngành liên quan mở các lớp tập huấn về công tác sản xuất giống nông hộ cho xã viên HTX. Đến nay, 80% xã viên HTX nắm vững quy trình sản xuất lúa theo chuyên đề “quản lý dịch hại tổng hợp theo phương pháp IPM”, theo các mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… Các hộ xã viên đã thực hiện quy trình thâm canh cây lúa trên cơ sở lịch thời vụ HTX đưa ra; công tác tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh được thực hiên đồng bộ trên đồng ruộng.
Xã viên Nguyễn Thị Mơ (thôn Định Phong) chia sẻ, gia đình tôi có 3.000m² sản xuất lúa giống. Vụ đông xuân 2012-2013 vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được 2 tấn lúa. Nhu cầu tiêu dùng của gia đình khoảng 200kg, còn dư 1,8 tấn bán lại cho HTX, thu về gần 13 triệu đồng. Trong khi đó nếu bán lúa thịt ra bên ngoài chỉ được khoảng 9 triệu đồng. Đầu vụ hè thu này, trận mưa lớn gây ngập nặng khắp cánh đồng thôn Đình Phong, nhưng thật may mắn khi gia đình gieo sạ theo đúng lịch của HTX giúp cây lúa phát triển tốt, không bị bật gốc. Bà con không bị hư giống, phải gieo sạ lại tốn kém như một số nơi.
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, vụ đông xuân 2012-2013, Phòng NN-PTNT huyện chọn HTX Nam An Nghiệp triển khai mô hình cánh đồng mẫu với quy mô 24ha, chuyên về sản xuất lúa giống cấp xác nhận. Vì cánh đồng của HTX này có những thửa ruộng lớn thuận lợi cho công tác quy hoạch và xã viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất lúa giống. Đặc biệt, HTX Nam An Nghiệp giữ được mối quan hệ lâu dài, bền vững với các doanh nghiệp, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giúp củng cố và nhân rộng mối quan hệ liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
BẠCH VÂN