Thứ Sáu, 29/11/2024 00:53 SA
Trồng lúa theo VietGAP:
Hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Thứ Hai, 08/04/2013 14:30 CH

Năm 2013, Phú Yên tiếp tục sản xuất thử nghiệm 10ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở 2 huyện Tây Hòa và Phú Hòa. Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT thì đây là hướng đi lâu dài của ngành Nông nghiệp Phú Yên, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

 

lua130408.jpg

Sản xuất lúa theo VietGAP cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt - Ảnh: T.HÀ

HƯỚNG TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Hiện nông dân xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) đã tiến hành trồng rau theo quy trình VietGAP và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm rau an toàn, được siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa thu mua với giá khá cao. Trung tâm Trồng và Sản xuất dược liệu Miền Trung (Đông Hòa) cũng đã sản xuất dược liệu theo VietGAP, sản phẩm có chỗ đứng khá vững trên thị trường. Với mong muốn sản xuất ra các loại gạo có chất lượng tốt, mức độ an toàn cao, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, năm 2012, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên Trương Văn Tuấn đã thực hiện đề tài sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Chỉ trong 2 vụ, quy trình sản xuất này đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.

 

Ông Võ Văn An, cán bộ HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa) tham gia dự án trồng lúa theo VietGAP từ năm 2012 chia sẻ về mô hình này: “Trồng lúa kiểu mới (VietGAP) ít tốn phân bón, thuốc, lúa giống (6kg/sào) nhưng đến mùa thu hoạch, năng suất vẫn cao hơn những đám ruộng xung quanh. Có được điều này là nhờ chúng tôi nắm bắt các quy trình kỹ thuật qua tập huấn và vận dụng những kiến thức đó vào sản xuất”.

 

Năm 2012-2013, diện tích lúa gieo trồng theo hướng VietGAP mới chỉ ở mức 10ha/vụ. Tuy diện tích sản xuất còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa rất lớn. Bởi, qua mô hình này, người dân bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất mới, tiến lên một bước cao hơn là thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp sạch. Người dân cũng áp dụng khoa học kỹ thuật để làm tăng năng suất, giá trị sản phẩm mà không làm nguy hại đến môi trường sống, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Đây cũng chính là định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Sở NN-PTNT đang có định hướng mở rộng diện tích lúa sản xuất theo VietGAP ra diện rộng với hình thức cánh đồng mẫu lớn. Đây là công việc đòi hỏi thời gian lâu dài. Trước mắt, sở sẽ giao cho trung tâm giống ở các huyện sản xuất đủ giống xác nhận để cung cấp cho người dân, hướng đến 100% nông dân khi sản xuất đều phải sử dụng giống xác nhận. Do giá giống xác nhận còn ở mức cao (gấp 3 lần giống lúa thịt) nên để đưa giống đến được với người dân, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ cho giống xác nhận”.

 

HIỆU QUẢ, NHƯNG ĐẦU RA CHƯA ỔN ĐỊNH

 

Trên vùng lúa được trồng theo quy trình VietGAP ở huyện Tây Hòa, có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt so với những đám ruộng được gieo trồng theo cách truyền thống người dân vẫn hay làm. Do giống được lấy từ trại giống (giống xác nhận) nên độ lẫn tạp rất ít. Mặt khác, khi cây lúa trổ bông, người nông dân bắt đầu khử lúa lẫn tạp nên đến lúc lúa chín, mặt ruộng phẳng, lúa chín đều và không bị ảnh hưởng nhiều của sâu bệnh.

 

Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên cho biết: “Vùng ruộng dùng để trồng thí nghiệm lúa VietGAP ở huyện Tây Hòa có chất lượng đất không được màu mỡ, lượng nước tưới tiêu cũng không ổn định nên năng suất lúa thường không cao. Thế nhưng, khi áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, năng suất lúa ở đây tăng lên đáng kể. Còn ở khu vực huyện Phú Hòa, do điều kiện đất đai, nước tưới tốt hơn nên hứa hẹn năng suất sẽ cao hơn”.

 

Ông Võ Văn An chia sẻ thêm: “Trồng lúa theo VietGAP phải nhọc công hơn trồng lúa thường. Cụ thể như khi sản xuất, ta phải tuân theo quy trình kỹ thuật nhất định chứ không thể làm một cách tùy tiện. Giống đưa vào sản xuất phải là giống xác nhận, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nếu sử dụng phải có sự chỉ định của cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trong suốt thời gian sản xuất, người nông dân phải ghi chép lại tỉ mỉ quá trình thực hiện công việc”.

 

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên 2 vụ lúa vừa qua, năng suất lúa, phẩm chất gạo VietGAP vượt trội hơn so với lúa thông thường. Cụ thể, ở vùng đất Tây Hòa, năng suất lúa hằng năm chỉ dao động 52-55 tạ/ha. Khi áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, năng suất lúa được nâng lên 60 tạ/ha với hạt gạo mẩy, chất lượng gạo đồng đều. Trong 2 vụ, việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trọng Tùng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP là tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi theo ông, để có thể nhân rộng mô hình, thu hút người dân tham gia thì trước tiên, phải đảm bảo được cho người dân về mặt kinh tế. Còn nếu để người dân bỏ ra nhiều công sức mà đến lúc thu hoạch lại chỉ bán sản phẩm với giá thông thường thì người dân sẽ không làm. Để giải quyết vấn đề này, Sở NN-PTNT đang tìm kiếm doanh nghiệp thu mua sản phẩm của người dân sau thu hoạch; nhưng do diện tích lúa VietGAP còn hẹp, công việc tìm kiếm doanh nghiệp chỉ vừa tiến hành nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên có 37 học sinh đoạt giải
Thứ Hai, 08/04/2013 08:00 SA
Học lớp 1 theo chuẩn quốc tế
Chủ Nhật, 07/04/2013 09:00 SA
Phú Yên có 95 học sinh tham dự
Chủ Nhật, 07/04/2013 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek