Kỹ năng sống hay còn gọi là kỹ năng mềm, là một yêu cầu rất quan trọng đối với sinh viên. Tuy nhiên, ngay từ trên giảng đường, không phải sinh viên nào cũng được trang bị tốt các kỹ năng thiết yếu này.
Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, các sinh viên rất cần được hỗ trợ những kỹ năng mềm để thích ứng tốt với công việc sau khi ra trường - Ảnh: Q.ANH
Tại các chương trình tư vấn - tuyển sinh năm 2013, một vấn đề được các chuyên gia tư vấn lưu ý cho thí sinh trong quá trình chọn ngành, chọn trường đó là kỹ năng mềm. Bởi đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng mà các nhà tuyển dụng quan tâm vì chúng ảnh hưởng lớn đến việc người lao động có hòa nhập được với môi trường làm việc và đạt hiệu suất công việc cao hay không. Vì thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 15% là do những kiến thức chuyên môn, 85% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều sinh viên sau khi ra trường, mặc dù rất tự tin với những kiến thức đã được trang bị ở giảng đường, nhưng lại bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Một số sinh viên học rất tốt các môn trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục nhược điểm này, bên cạnh kiến thức chuyên môn, các học sinh khi chọn trường, chọn ngành phải quan tâm đến kỹ năng sống mà mình cần có khi theo học ngành nghề mình chọn. Bởi cho đến nay, các trường đại học vẫn chưa được đưa bộ môn đào tạo kỹ năng mềm trở thành môn học chính khóa, vì thế hầu hết các sinh viên “tự bơi”.
Giáo dục kỹ năng sống là một trong những vấn đề quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho sinh viên. Việc công bố chuẩn đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp đòi hỏi mỗi trường đại học không chỉ trang bị những kiến thức chuyên môn nền tảng cho sinh viên mà còn phải trang bị nhiều kỹ năng mềm khác cho người học, đặc biệt là kỹ năng sống cơ bản để sinh viên có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Kỹ năng thực tế của công việc giúp sinh viên nhanh chóng vào việc và làm được việc. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh nói: “Các ngành đào tạo của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn phần lớn thuộc lĩnh vực xã hội. Chính vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo chính quy, sinh viên cũng cần phải trang bị cho mình một số kỹ năng mềm để có thể dễ dàng tìm được những công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn như những kỹ năng: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý xung đột và khủng hoảng, làm chủ bản thân, thuyết trình... Biết cách tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống và trong xã hội được xem là chìa khóa vàng dẫn đến thành công. Chính vì vậy, trong quá trình chọn ngành, các thí sinh phải xác định cho mình những kỹ năng mềm hỗ trợ sau này có phù hợp với khả năng của mình hay không”.
Hiện nay, theo định hướng hội nhập quốc tế, các trường đại học, cao đẳng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên không chỉ tập trung học tập, tiếp cận chương trình, công nghệ mà còn cả văn hóa nước ngoài nhiều hơn là tham gia các hoạt động rèn luyện, sinh hoạt đoàn thể. Do đó, song song với chương trình đào tạo chính quy, các trường đại học, cao đẳng cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện các kỹ năng mềm và trang bị kinh nghiệm thực tế để sinh viên dễ dàng thích ứng với công việc và vượt qua các khó khăn, áp lực có thể có khi khởi đầu công việc mới. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vị, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên bày tỏ: “Đa số sinh viên có khát vọng học tập và rèn luyện để phát triển bản thân. Các em không chỉ học những kiến thức trong trường mà còn tích cực học từ thực tế cuộc sống để thiết lập các mối quan hệ xã hội. Một khi có kinh nghiệm về giao tiếp, nhận thức của sinh viên không chỉ hạn hẹp ở hoạt động học tập cá nhân mà còn có thể hợp tác, chia sẻ và trao đổi với bạn bè. Đây là ưu thế của lứa tuổi sinh viên. Các em rất thích chia sẻ ý tưởng, tài liệu học tập và thể hiện khả năng sáng tạo của chính mình. Từ đó, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập, rèn luyện”.
Các chuyên gia tư vấn khuyến cáo, nhiều sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp đã thừa nhận không được nhận vào làm vì thiếu kỹ năng sống, cụ thể là kỹ năng làm việc nhóm. Vì vậy, việc trang bị văn hóa và kỹ năng sống đã đến lúc cần song hành với nhau.
THÚY HẰNG