Thời gian gần đây, tình trạng khan hiếm lao động ở cảng cá thuộc thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) ngày càng gay gắt. Nhận thấy khó khăn của ngư dân ở đây, kỹ sư Đặng Trương Vĩnh, giáo viên Khoa Điện - Điện tử, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên và nhóm cộng tác đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống băng tải vận chuyển hàng hóa làm việc theo địa hình nhằm giảm thiểu sức lao động của người dân. Mô hình này được khảo nghiệm vào tháng 8/2012 và được đông đảo người dân xã Hòa Hiệp Trung đón nhận.
Băng chuyền tải cá giúp giảm sức lao động cho người dân vùng biển - Ảnh: CTV
TỪ NHU CẦU THỰC TẾ
Năm 2011, trong một lần cùng nhóm học trò về thăm quê của các học sinh ở xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa), thầy Đặng Trương Vĩnh nhìn thấy mỗi khi các tàu thu mua cá cập cảng, có rất nhiều người lao động làm công việc gánh cá thuê từ thuyền lên bờ vào chợ cá. Cứ 2 người phụ nữ gánh trên vai khoảng 40-50kg hải sản. Vượt qua một bãi cát với dốc cao, nhiều người không đủ sức khỏe đã ngất đi. Lực lượng lao động không đủ, nhiều lúc các tàu cá cập bến phải chờ người vận chuyển.
Thấy nỗi vất vả của người dân, đồng thời tin vào năng lực của mình, kỹ sư Đặng Trương Vĩnh đã nhanh chóng hình thành ý tưởng chế tạo băng chuyền tải cá và cùng với nhóm cộng tác bắt tay vào thực hiện nó chỉ sau đó một thời gian ngắn.
Hằng năm, từ tháng 3 đến đầu tháng 8 âm lịch là vụ chính của nghề khai thác và thu mua cá khơi của ngư dân thôn Phú Thọ 3. Thời gian này, nhiều tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập trung về đây mua bán hải sản tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi ngày có từ 150-200 tàu thuyền thu mua có công suất lớn cập bến. Sản lượng khai thác, thu mua từ 100-200 tấn/ngày. Theo UBND xã Hòa Hiệp Trung, đến tháng 6/2011, xã có trên 600 tàu thuyền làm nghề khai thác, thu mua hải sản. Trong khi đó, khâu phục vụ hậu cần nghề cá chỉ sử dụng phương pháp thủ công truyền thống nên cần rất nhiều sức lao động. Bình quân, cứ mỗi tấn thủy sản vận chuyển từ thuyền lên đến chợ đầu mối cần 2-4 công lao động làm việc trong một ngày. Tính ra, mỗi ngày, bến cá cần có ít nhất 200 lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, các con sông bị cạn vào mùa khô khiến tàu thuyền gặp khó khăn khi ra vào cửa sông dẫn đến tàu cá dễ mắc cạn, hư hỏng. Để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, ngư dân thường cập bến ngay trên bãi biển, tại bến cá thôn Phú Thọ 3 (Hòa Hiệp Trung). Đây là nơi thuận lợi để tàu thuyền ra khơi nhưng lại làm tăng quãng đường vận chuyển hải sản, gây khó khăn trong việc đưa hải sản vào nơi tập trung sau khi đánh bắt.
Trước những khó khăn trên, việc đưa vào sử dụng các hệ thống băng tải để vận chuyển hải sản và hàng hóa phục vụ hậu cần nghề cá là điều cần thiết để giảm thiểu sức lao động, cải thiện môi trường làm việc cho ngư dân.
TIẾP SỨC CHO LAO ĐỘNG VÙNG BIỂN
Tháng 8/2012, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo nghiệm lần thứ nhất một phần của hệ thống băng tải. Kết quả cho thấy hệ thống băng tải đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của ngư dân và được đa số người dân ủng hộ.
Hệ thống băng tải được chế tạo từ các mô-đun độc lập, có tính đồng bộ cao với vận tốc 35m/phút, dễ tháo lắp và di chuyển, phù hợp cho việc lắp đặt tại các bãi biển thuộc khu vực bãi ngang, giúp giảm đáng kể sức lao động cho người dân. Với hệ thống băng tải này, lực lượng lao động cần thiết sẽ giảm chỉ còn 1/3 so với khi sử dụng bằng sức người, đồng thời thời gian vận chuyển sẽ được rút ngắn đáng kể.
Chia sẻ về công trình nghiên cứu này, kỹ sư Đặng Trương Vĩnh, chủ nhiệm đề tài nói: “Khi vừa có ý tưởng, nhóm chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện ngay. Đến tháng 8/2012, băng tải được đưa vào hoạt động thử nghiệm và từng bước thay thế sức lao động của người dân ở thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung. Sau khi nghiệm thu công trình, tùy vào nhu cầu của người dân mà chúng tôi sẽ tiếp tục tăng số lượng băng chuyền để phục vụ nhu cầu vận chuyển hải sản, hàng hóa phục vụ hậu cần nghề cá”.
Vui mừng vì có máy móc hỗ trợ cho việc vận chuyển hải sản, hàng hóa, chị Trần Thị Thu, chủ một cơ sở sản xuất và cung cấp đá lạnh cho các tàu thuyền ở khu vực này chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có băng tải, mỗi khi đưa đá lạnh ra thuyền, đưa cá vào khu tập trung gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động. Có băng tải, người lao động làm việc bớt đi phần nặng nhọc, vừa nhanh cho người bán, vừa nhanh cho người thu mua và đảm bảo chất lượng hải sản cho người tiêu dùng. Người dân ở đây mong muốn có thêm nhiều máy như thế này để phục vụ bà con”.
THÁI HÀ