Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các đề án, chính sách mới, giáo dục mầm non ở Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là tín hiệu vui, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Các trẻ Trường mầm non Ong Vàng trong một giờ học - Ảnh: H.MY
Trong một lần đến Phú Yên tham gia tập huấn về dinh dưỡng cho trẻ mầm non vào tháng 11/2012, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Hiếu đã ghé thăm Trường mầm non Ong Vàng (TP Tuy Hòa). Dạo quanh các phòng học, nhìn các trẻ của lớp Đôrêmon đang học tiếng Anh qua truyện tranh, các trẻ lớp Tom & Jerry đang được các y, bác sĩ khám sức khỏe định kỳ, các trẻ lớp Paul đang chuẩn bị ăn trưa… bà Hiếu nói: “Tôi rất bất ngờ vì giáo dục mầm non ở Phú Yên đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây, nhất là loại hình trường mầm non tư thục. Hầu như các trẻ được giáo dục những nền tảng cơ bản, được đảm bảo dinh dưỡng, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ để vui chơi, sinh hoạt… Đây là những tín hiệu vui trong quá trình thực hiện xã hội hóa đối với bậc học này”.
Từ khi Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ hai, khóa VI đã tạo nhiều điều kiện để giáo dục mầm non phát triển. Theo báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2012-2013 của Sở GD-ĐT Phú Yên, từ đầu năm học đến nay, Sở GD-ĐT Phú Yên đã tổ chức 3 lớp tập huấn, chỉ thị 100% trường mầm non thực hiện tốt chuyên đề nâng cao chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% các bếp được thực hiện theo quy cách bếp một chiều… Bên cạnh đó, sở còn phối hợp cùng Sở Y tế Phú Yên khám sức khỏe định kỳ cho 100% trẻ ra lớp. Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Phú Yên) Trần Thị Kim Tuyết cho biết: “Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện nay ở nhà trẻ là 5,9% (giảm so với đầu năm học trước 0,42%), mẫu giáo là 8,93% (giảm so với đầu năm học trước 0,97%); suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ là 7%, mẫu giáo là 8,7%; trẻ được ăn tại nhà trẻ là 100%, mẫu giáo được ăn tại trường là 25% (tăng 4% so với đầu năm học trước); trẻ 5 tuổi đi học 2 buổi/ngày chiếm tỉ lệ 79,96% (tăng so với cuối năm học trước 16%)”.
Ngoài ra, chương trình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật được Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam ký hợp đồng từ tháng 7/2008, kinh phí dự án đầu tư cho chương trình mỗi năm khoảng 200 triệu đồng, tiếp tục triển khai đến năm 2015. Mới đây, tổ chức Loreto - Úc tài trợ một phòng vi tính (gồm 10 máy tính, bàn ghế, máy điều hòa) dành cho trẻ khiếm thính Trường Niềm Vui và đầu tư xây dựng một trường mầm non bán trú trị giá 65.000USD theo hình thức khép kín, gồm các phòng học, bếp bán trú, sân chơi, nhà vệ sinh và giếng nước sạch. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên (trên cơ sở nâng cấp Trường Niềm Vui) đã tạo điều kiện để trẻ khuyết tật đượsc học tập bình đẳng trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, được giáo dục các kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề để hòa nhập cộng đồng. Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá chia sẻ: “Lâu nay, do chưa được quan tâm đúng mức nên bậc học mầm non chưa được ưu tiên đầu tư. Nhưng ba năm học gần đây, ngành GD-ĐT tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến lớp. Đến năm 2015, quy mô trẻ 5 tuổi của toàn tỉnh ra lớp là 100%; duy trì 70% số trẻ 3 đến 4 tuổi đến lớp mẫu giáo và 20% số trẻ đến nhà trẻ. Phú Yên sẽ phấn đấu hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đúng kế hoạch”.
KHÁNH HÀ