Thứ Tư, 09/10/2024 19:21 CH
Ngôi trường nơi đầu ngọn sóng
Thứ Tư, 23/01/2013 14:30 CH

Trường học chỉ là một căn phòng nhỏ có nhiều cửa sổ, tràn ngập nắng, gió và tiếng sóng vỗ rì rào. Nhưng tại đây, 7 học trò xứ đảo vẫn hằng ngày trong trang phục bộ đội hải quân, miệt mài đến lớp. Dưới sự dìu dắt của cô giáo Bùi Thị Nhung và hai thầy giáo kiêm nhiệm, các học trò nhỏ của thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã dần trưởng thành…

 

tre-em-truong-sa130123.jpg

Các học sinh ở thị trấn Trường Sa trong giờ ra chơi - Ảnh: H.MY

NHỮNG BÀI HỌC ĐẶC BIỆT

 

“Ngôi trường” chỉ cách nhà vài bước chân, xung quanh là những cây bàng vuông, cây tra xanh lá… Hằng ngày, xúng xính trong đồng phục các em học sinh nô nức đến lớp. Trường học là một căn phòng nhỏ trong Nhà văn hóa của thị trấn Trường Sa, chỉ có 4 khối học với 7 học sinh. Cô giáo Bùi Thị Nhung vừa là “hiệu trưởng”, vừa là giáo viên chủ nhiệm của các lớp học. Hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết xong, cô lại quay sang giảng toán cho nhóm học sinh lớp 2, rồi hướng dẫn các em lớp 3, lớp 4 làm bài tập. Cô Nhung cho biết: Ở đây, học sinh không học môn khoa học vì chưa có dụng cụ thí nghiệm. Các em cũng không được đi tham quan nhiều như những lớp học trên đất liền, nhưng lại được học về tình huống khẩn cấp chống bão... Các em có nhiều ngày nghỉ lễ hơn vì được đi đón tàu ra thăm đảo. Ở đất liền, sau các kỳ thi đánh giá chất lượng năm học, bài thi của học sinh thường được niêm phong gửi về nơi chấm tập trung bằng các phương tiện đường bộ, còn ở Trường Sa, bài thi của các em sau khi được niêm phong cẩn thận sẽ được gửi về Sở GD-ĐT Khánh Hòa qua những chuyến tàu lênh đênh trên biển. “Học trò xứ đảo rất thích học vẽ. Hầu hết các em vẽ về biển, đảo và người lính hải quân. Có lẽ cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, hình ảnh những người lính đứng gác đã ăn sâu vào tiềm thức, nên khi vẽ về đảo, về chiến sĩ hải quân, các em vẽ rất có hồn”, cô Nhung chia sẻ.

 

Ở đảo Trường Sa Lớn, nếu cô giáo Bùi Thị Nhung là người trực tiếp truyền đạt kiến thức phổ thông, hai thầy giáo kiêm cán bộ UBND thị trấn Phạm Gia Huy và Nguyễn Văn Cảnh dạy các em môn Anh văn và Vi tính, thì cán bộ chiến sĩ hải quân ở đây lại là những người dạy các em về ý chí kiên cường, tình yêu biển, đảo của Tổ quốc. Mỗi giáo viên có một cách giáo dục riêng, nhưng chung một điểm là dạy kiến thức, dạy cách làm người và truyền lửa tình yêu Tổ quốc. Thầy Cảnh tâm sự: “Sự dũng cảm và chịu đựng gian khổ của bộ đội Trường Sa đã tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Có thể nói mỗi học sinh Trường Sa là một chiến sĩ nhỏ. Ở đây, không có sự cạnh tranh, phân biệt, chỉ có sự thi đua học tốt, dạy tốt, sống tốt. Giáo viên và học trò thương yêu nhau như người trong một nhà”.

 

CÁC EM ĐANG DẦN LỚN…

 

Đến thị trấn Trường Sa, mọi người đều có chung cảm nhận về sự ngây thơ, trong sáng và hiếu khách của những học sinh nơi đây. Lần gặp đầu tiên, các em chào đón những vị khách đến thăm đảo với nụ cười rạng rỡ và ríu rít khi dẫn khách đi tham quan hòn đảo nơi mình sống. Các em háo hức giới thiệu về ngôi trường mới đang xây dựng, về nhà tưởng niệm Bác Hồ, bia tưởng niệm liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn, kể về từng loại cây, chuyện đi học và mời mọi người cùng hái quả tra làm tiệc... Ánh lên trong mắt của các em là cả một niềm tự hào về miền đất mình đang sống và gắn bó. Chị Trần Thị Thúy Bình ở Hà Nội, nhận xét: “Là học sinh ở vùng hải đảo xa xôi, nhưng các em lại tỏ rõ sự nhanh nhẹn, hoạt bát, kỹ năng giao tiếp khá tốt với những người lạ. Đây là nét khác biệt so với học sinh ở những vùng sâu, vùng xa khác”.

 

Em Nguyễn Anh Đức, học sinh lớp 4 kể một kỷ niệm đáng nhớ: Đầu năm học, em bị sốt cao, phải nghỉ học nhiều ngày, các bạn trong lớp làm bài tập xong, chốc chốc lại chạy sang nhà em thăm hỏi và hái tặng những trái tra chín mọng. Đức bộc bạch: “Khi bạn này khóc, bạn kia dỗ dành. Chúng em rất yêu thương nhau, thường chia sẻ quà nhận từ đất liền cho nhau”.

 

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các học trò xứ đảo dậy thật sớm, ra bãi biển hái những bông hoa muống biển tươi thắm, quấn thành bó, mang đến tặng cô giáo Nhung. Món quà giản dị, đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình. Nhiều học sinh lên cấp 2, ngày chia tay cô giáo và các bạn để về đất liền học tập đã khóc sướt mướt. Thư gửi từ đất liền ra đảo xa cho cô Nhung, em Nguyễn Xuân An, học sinh lớp 8, Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) từng sống và học tập ở đảo Trường Sa Lớn viết: “Ở Trường Sa, cô luôn dạy chúng em phải biết vượt khó như các chú Bộ đội Cụ Hồ, không được chùn bước trước khó khăn. Trong giấc ngủ em vẫn mơ về lớp học Trường Sa. Các bạn ở đất liền rất thích nghe em kể chuyện biển, đảo. Em càng tự hào, hãnh diện vì mình đã được sống, học tập ở đảo”.

 

Cô Nhung thổ lộ: “Năm học tới, trường mới sẽ được đưa vào hoạt động. Các em sẽ được học bài bản và nâng cao hơn. Thời gian tới, tôi mong trường mở dạy cấp THCS để học trò của đảo không phải về đất liền học tập khi còn quá nhỏ. Mỗi lần nhìn các em chăm chỉ đến lớp, nô đùa vui vẻ khi ra chơi và lúc nào cũng thương yêu nhau…, tôi thấy mình hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người nơi đầu sóng ngọn gió này”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek