Thứ Sáu, 11/10/2024 03:27 SA
Viết cổ tích bằng cuộc đời
Thứ Tư, 28/11/2012 14:30 CH

Từ 6 tuổi đã bị chiến tranh cướp đi bàn tay phải, nhưng vượt lên những thiệt thòi của cá nhân cùng gia cảnh khốn khó, bằng nghị lực và sự say mê học hỏi không ngừng, thầy đã lấy hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ. Và mới đây, người thầy giáo tật nguyền 55 tuổi ấy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thầy là thạc sĩ Trần Quốc Nhuận, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

 

thay-nhuan-121128.jpg

Nhà giáo ưu tú Trần Quốc Nhuận giảng bài cho học sinh - Ảnh: H.MY

SỰ HỌC LÀ KHÔNG NGỪNG

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ Sơn Thành Tây (Tây Hòa), từ nhỏ, cậu bé Nhuận đã thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh. Năm 6 tuổi, đang ở trong nhà, thì giặc Mỹ bất ngờ “nả súng” vào, Nhuận vĩnh viễn mất đi bàn tay phải. Từ đó, Nhuận chuyển sang tập luyện và sinh hoạt bằng tay trái. Ước mong được đến lớp luôn hun đúc trong lòng cậu bé bất hạnh. Thấu hiểu khát vọng học tập và tâm hồn nhạy cảm của con, mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, phải nuôi đến 8 người con, nhưng ba má vẫn quyết tâm cho Nhuận đi học. Vậy là 10 tuổi, cậu bé Nhuận chỉ với một bàn tay, hằng ngày, đi bộ hơn 4km đến trường “nuôi” con chữ. Sự cần cù, ham học đã giúp Nhuận nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường trung học tỉnh hạt Hiếu Xương (nay là Trường THPT Ngô Gia Tự). “Lúc đó, trong tôi, hình ảnh người thầy rất cao quý và tuyệt vời. Tôi ao ước trở thành thầy giáo dạy các môn xã hội, mang kiến thức của mình thắp sáng lên ước mơ và lòng ham học cho học sinh”, thầy Nhuận chia sẻ.

 

Năm 1977, Trần Quốc Nhuận thi đậu vào khoa Địa lý, Trường đại học Sư phạm Huế. Miệt mài trên giảng đường, tốt nghiệp thủ khoa, Thầy Nhuận được một trường cao đẳng tại Buôn Ma Thuộc (Đắk Lắk) mời về dạy. Tuy nhiên, thầy đã viết đơn tình nguyện xin về dạy trên chính nơi “chôn nhau cắt rốn” tại Trường THPT vừa học vừa làm Sơn Thành. Với lòng yêu nghề, nhiệt tình bám trường bám lớp, năm 1995, thầy Nhuận được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Sơn Thành. Suy nghĩ “việc học không có tuổi và phải học tập suốt đời” nên năm 1997, thầy học tiếp văn bằng 2 đại học chuyên ngành Lịch sử do Trường đại học Sư phạm Huế liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức. Cứ tan giờ làm, thầy lại chạy xe máy hơn 35km từ Sơn Thành Tây xuống TP Tuy Hòa học đến 21g, sau đó ngủ lại nhà trọ và sáng mai lên trường dạy lại. Năm 1998, thầy thi đậu cao học chuyên ngành Địa lý và ra Hà Nội học. Thầy Nhuận nhớ lại: “Cùng một lúc, tôi học văn bằng 2 chuyên ngành Lịch sử và học cao học chuyên ngành Địa lý ở Hà Nội, trong khi đó, bốn đứa con của tôi cũng đang tuổi ăn học. Có hôm, tôi chỉ dám ăn hai gói mì cầm cự học cả ngày. Mỗi lần từ ga Hàng Cỏ về lại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, để tiết kiệm, tôi đi bộ hơn 10km. Tôi cùng lúc hoàn thành hai chương trình học vào năm 2000 và đến năm 2003, được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cấp 2-3 Sơn Thành”.

 

Năm 2010, thầy Nhuận xin chuyển công tác về làm giáo viên tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá, nhận xét: “Thầy Nhuận là một giáo viên nhiệt tình và giàu nghị lực. Bản thân thầy đã đi dạy hơn 30 năm, 15 năm làm công tác quản lý, từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, nhưng khi xin chuyển công tác về Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh làm giáo viên, thầy vẫn rất nhiệt tình, không màng danh lợi, không một lời phàn nàn”.

 

Hơn 30 năm đi dạy, thầy Nhuận đã có 15 năm được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, 5 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Mới đây, ghi nhận những cống hiến của thầy cho sự nghiệp giáo dục, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thầy chia sẻ: “Cứ mỗi lúc gặp khó khăn, tôi lại nhớ về tấm gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký ở Nam Định, để thấy rằng mình còn may mắn và cần phải mài thêm ý chí vươn lên trong cuộc sống”.

NÂNG CÁNH NHIỀU THẾ HỆ HỌC TRÒ

 

Tiết học Địa lý của lớp 12 Văn Sử Địa Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh sáng đầu tuần thật sôi động khi thầy giáo khuyết tật Trần Quốc Nhuận dạy cho học sinh bài “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Giọng thầy to rõ, truyền cảm, giảng giải các ý chính của bài học, trong khi tay thầy thoăn thoắt viết chữ. Dù chỉ có tay trái nhưng thầy phác họa bản đồ Việt Nam rất nhanh và vẽ hình tròn mà không cần dùng compa. Ngoài giờ dạy chính khóa, từ hơn 10 năm nay, thầy Nhuận còn dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh ôn thi cấp quốc gia và dạy cộng tác cho Trường THPT Duy Tân.

 

Mỗi khi có điều kiện giúp đỡ học trò, thầy Nhuận đều nhiệt tình dốc sức. Nhiều học sinh muốn học nâng cao Địa lý và Lịch sử, tìm đến nhà, thầy tận tình chỉ dẫn mà không nhận thù lao. Có học sinh thi đậu đại học, nhưng không có kinh phí đi học, thầy vận động hội phụ huynh của trường và bỏ tiền túi để giúp. Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (Đồng Xuân) tâm sự: “Lúc trước, tôi học Trường THPT vừa học vừa làm Sơn Thành. Gia cảnh của tôi khi đó rất khó khăn. Tôi nhiều lần có ý nghĩ bỏ học để phụ giúp gia đình. Những lần như thế, mẹ đều lấy tấm gương thầy Nhuận để khuyên nhủ, động viên tôi phấn đấu. Sự vượt khó và nghị lực của thầy đã tiếp sức cho tôi vững bước học tập và trở thành một cô giáo như hôm nay. Tôi và nhiều thế hệ học trò biết ơn thầy nhiều lắm”.

 

Một sáng kiến của thầy khi còn là Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường THCS và THPT Sơn Thành. Để giải quyết tình trạng nhiều học sinh không thuộc bài ở trường, thầy triệu tập gặp các em cuối buổi học. Thầy không la rầy học sinh mà cặn kẽ tìm hiểu nguyên nhân, chỉ ra phương pháp học và còn mua bánh mì cho các em lót dạ để học bài ngay tại chỗ và thầy dò lại. Sau đó, các học sinh này đều chăm chỉ học thuộc bài và rất quý mến thầy.

 

Các con của thầy giờ đã lớn và cũng đang nối nghiệp cha, tình nguyện về giảng dạy tại các xã miền núi, vùng còn khó khăn. Hằng ngày, sau công việc, thầy lại lặng lẽ về bên người vợ hiền, ăn bữa cơm đạm bạc, nghe nhạc và đọc sách. Chia tay thầy, rời ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở phường 5 (TP Tuy Hòa), tôi chợt nhớ đến giai điệu của một bài hát: “Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/ Từng ngày, giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy/ Để em đến bến bờ ước mơ…”.

  

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek