Thứ Sáu, 11/10/2024 11:28 SA
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý:
Khuyến khích dạy thêm, học thêm qua nhà trường
Thứ Tư, 14/11/2012 14:30 CH

Từ khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành từ 1/7/2012, không ít luồng ý kiến tranh cãi về vấn đề này. Để giúp phụ huynh, học sinh và giáo viên hiểu hơn về thông tư này, Báo Phú Yên phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý.

 

thu-truong121114.jpg

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý - Ảnh: H.MY

* Sự ra đời của Thông tư 17 là tất yếu, thưaThứ trưởng?

 

- Đúng vậy! Trước hết, phải thấy việc dạy thêm, học thêm là một nhu cầu của nhiều phụ huynh cũng như học sinh, vì ngoài học chính khóa, các em cần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên đã thực hiện sai quy định khi có tình trạng “ép” học sinh dạy chính khóa phải học thêm, lợi dụng dạy thêm để cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa, thậm chí dạy trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Thêm vào đó, cơ sở vật chất dạy thêm tại nhà của nhiều giáo viên không đảm bảo về ánh sáng, bàn ghế… Cho nên, để chấn chỉnh tình trạng học thêm, dạy thêm theo đúng quy định, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17 hướng dẫn về công tác dạy thêm, học thêm cho giáo viên ở các trường học.

 

* Thứ trưởng có thể đánh giá sơ bộ kết quả qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện Thông tư 17?

 

- Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động triển khai, bước đầu chấn chỉnh tốt những hành vi tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Nhiều sở GD-ĐT còn ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 17 sao cho phù hợp điều kiện tại địa phương, tổ chức phân loại giáo viên có quyền dạy thêm. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào khuôn khổ, các sở GD-ĐT đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh và lấy ý kiến các sở, ngành địa phương để đưa ra quy định cụ thể, theo đó, sẽ quy định rõ trường hợp các tổ chức, cá nhân được phép dạy thêm cũng như các đối tượng phải học thêm và không phải học thêm, quy định mức thu cụ thể với các hình thức học thêm trong tỉnh.

 

tieu-hoc-121114.jpg

Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT ban hành là tất yếu. Trong ảnh: Một tiết học Tiếng Việt của học sinh tiểu học - Ảnh: H.MY

* Nhiều ý kiến cho rằng, một số điều quy định trong Thông tư 17 chưa thực tế và dễ đi vào ngõ cụt, như quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa, nhưng khi họ tham gia dạy thêm ở trung tâm, lại dạy đúng các học trò của mình, thì phải xử lý như thế nào, thưa Thứ trưởng?

 

- Phải nói rằng Thông tư 17 vừa ban hành, trên cơ sở tổng kết, đánh giá của các quy định dạy thêm, học thêm trước đây mà Bộ GD-ĐT đã ban hành và căn cứ vào ý kiến từ các giáo viên, tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh, kể cả của học sinh. Tại Hội nghị triển khai vùng thi đua số 4 gồm 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa tổ chức ở Phú Yên, qua các ý kiến thắc mắc của các sở GD-ĐT, chúng tôi nhận thấy các đồng chí chưa thực sự nghiên cứu kỹ câu chữ của văn bản, tham khảo Thông tư 17 chưa toàn diện. Ví dụ như thắc mắc của Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai về trường hợp quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa, nhưng khi họ tham gia dạy thêm ở trung tâm, lại dạy đúng các học trò của mình, thì không biết phải xử lý như thế nào. Rõ ràng, trong Điều 4 của Thông tư 17 có nêu: “Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”, tức là khi gặp trường hợp trên, giáo viên phải báo cáo lại cho hiệu trưởng và được sự đồng ý của hiệu trưởng thì mới tham gia dạy thêm cho các em đó. Ban hành Thông tư 17, chúng tôi khuyến khích việc dạy thêm, học thêm qua nhà trường, đồng thời khuyến khích thành lập các trung tâm, được sự cấp phép của ngành Giáo dục và UBND tỉnh, đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm, vừa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, vừa nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện cho học sinh. Các sở, phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường lại dễ quản lý, kiểm soát giáo viên và học sinh.

 

* Để khắc phục việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, tổ chức học 2 buổi/ngày, học bán trú là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của các trường tại một số địa phương còn khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu này. Vậy, bộ giải quyết vấn đề này như thế nào?

 

- Đối với bậc tiểu học, bộ đang yêu cầu các địa phương tạo cơ sở vật chất, triển khai học 2 buổi/ngày. Đây là điều kiện quan trọng bởi chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục, trong đó phổ cập giáo dục tiểu học là điểm nhấn. Hiện nay, theo Nghị định số 49 quy định về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2010-2015, học sinh ở bậc tiểu học không phải đóng học phí. Vì vậy, chúng ta không có nguồn thu để nâng cấp cơ sở vật chất của các trường. Với một số trường không có đủ điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bộ khuyến khích mở trung tâm dạy thêm, học thêm để tạo sự đồng bộ trong giáo dục.

 

tieu-hoc-1-121114.jpg

Để khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường dạy 2 buổi/ngày. Trong ảnh: Một tiết học Toán ở Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa) - Ảnh: H.MY

* Thứ trưởng nghĩ sao khi có ý kiến đề nghị việc ra đề thi cho học sinh nên bám sát hơn vào chương trình chính khóa để hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm?

 

- Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT luôn quan tâm đến việc ra đề thi sao cho bám sát với chương trình của sách giáo khoa. Trong thời gian qua, chúng tôi chưa thấy phản ánh nào về việc bộ ra đề thi quá khó và cao hơn so với chương trình học chính khóa của học sinh. Bộ luôn quan tâm, chỉ đạo hội đồng ra đề bám sát chương trình học hiện nay của các em, không ra những nội dung quá khó và lắc léo, ngoài nội dung của sách giáo khoa. Đề thi tốt nghiệp các cấp THCS, THPT rất đại trà. Còn đề thi đại học có nâng cao hơn, nhằm phân loại học sinh. Trong đợt tuyển sinh vừa qua, tôi thấy nhiều thủ khoa đại học dù không có điều kiện học thêm nhưng vẫn thi đậu với điểm số rất cao như thủ khoa Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh Võ Văn Huy ở Phú Yên; thủ khoa Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội Nguyễn Văn Khuynh ở Quảng Nam; thủ khoa Trường đại học Ngoại ngữ Nguyễn Nguyệt Minh ở Hà Nội… Điều đó cho thấy tự học là một phương pháp rất tốt và các trường, giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh không nên vin vào lý do đề thi ra ngoài chương trình học chính khóa để biện bạch cho việc dạy thêm, học thêm.

 

* Xin cám ơn Thứ trưởng!

 

HÀ MY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek