Thứ Bảy, 12/10/2024 01:23 SA
Tiếp sức học sinh có nguy cơ bỏ học đến trường
Thứ Tư, 24/10/2012 07:30 SA

Để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc học yếu có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường, năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT phối hợp với Công đoàn ngành GD-ĐT Phú Yên triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì nghèo hay vì học yếu”.

 

Anh-thay-trang-1121024.jpg

Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỉ lệ học sinh yếu kém để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học - Ảnh: T.HẰNG

 

GIAO TRÁCH NHIỆM CHO GIÁO VIÊN

 

Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, kết thúc năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 1.381 học sinh các cấp bỏ học, chiếm tỉ lệ 0,8%. Trong đó, THCS và THPT là hai cấp học có học sinh bỏ học nhiều nhất với 1.377 học sinh. Nguyên nhân bỏ học phần lớn là do học sinh chán nản vì học lực yếu kém, gia đình thiếu quan tâm. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém theo môn, theo từng đối tượng và đặc biệt là giao trách nhiệm phụ đạo học sinh yếu kém cho từng giáo viên. Giáo viên không chỉ có trách nhiệm dạy học cho học sinh yếu kém mà còn phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của các đối tượng này để có phương pháp giáo dục phù hợp, giúp các em tiến bộ trong học tập.

 

Những năm gần đây, phụ đạo học sinh yếu, kém là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường học và giáo viên, nhằm giúp các học sinh học lực yếu, kém có thể lấp đầy được lỗ hổng kiến thức. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường học ở Phú Yên, hiệu quả mang lại chưa cao. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Lương Công Tùng (Sông Hinh), bày tỏ: “Giúp học sinh tiến bộ thầy cô nào cũng sẵn sàng, nhưng vì đây là những học sinh “cá biệt” nên quá trình dạy dỗ hết sức phức tạp. Nhiều hôm thầy cô giáo đi dạy thì học trò lại không đến lớp. Nếu giáo viên không chịu khó tìm hiểu nguyên nhân để động viên các em thì rất khó trong việc giúp các em cải thiện được ý thức học tập”.

 

Phụ đạo học sinh yếu kém trong trường học là việc làm tế nhị, đòi hỏi nhiều công sức, sự yêu thương tận tụy của người thầy, sự nỗ lực hết mình của mỗi học sinh. Thông thường, hầu hết những học sinh yếu được “vớt” lên lớp đều bị hổng kiến thức, mất căn bản. Từ đó, các em mặc cảm, có hiện tượng sợ bị kiểm tra, chán học và cuối cùng nảy sinh bỏ học. Để việc giúp đỡ học sinh yếu, kém có nguy cơ bỏ học không còn mang tính hình thức, Sở GD-ĐT phối hợp với Công đoàn ngành GD-ĐT Phú Yên vừa triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì nghèo hay vì học yếu”. Theo đó, những học sinh được giáo viên nhận đỡ đầu sẽ được phụ đạo, hướng dẫn phương pháp tự học hoặc được giúp đỡ sách, vở, áo quần, tiền… để các em không bỏ học, có ý thức học tập, rèn luyện và học tập tiến bộ hơn, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn tỉnh. Sở GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục rà soát, lập danh sách học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc học yếu, có nguy cơ bỏ học; vận động mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh cụ thể, lập danh sách để theo dõi chung và công bố công khai tại đơn vị. Những đơn vị không có học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc học yếu có nguy cơ bỏ học thì nhận đỡ đầu một học sinh của đơn vị khác trên địa bàn.

thay-giao121024.jpg

Mỗi giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học để tạo điều kiện cho các em đến trường - Ảnh: T.HẰNG

NHIỀU ÁP LỰC

Theo các trường, từ khi thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, công tác kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục được các trường thực hiện một cách nghiêm túc. Giáo viên mỗi khối lớp có trách nhiệm hơn với học sinh của chính mình, vì nếu có “đẩy” học sinh lên lớp cũng sẽ bị giáo viên lớp trên trả lại. Giáo viên chịu trách nhiệm trong việc giảng dạy nên học sinh yếu kém trước hết thuộc về giáo viên. Ông Phạm Chính, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Văn Chánh (Phú Hòa), cho biết: “Ngay từ đầu năm học, trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm. Đối với những học sinh thấp điểm, chúng tôi phân công giáo viên kèm cặp giúp đỡ. Lãnh đạo trường theo dõi sát sao quá trình dạy học của giáo viên, học sinh”. Học sinh yếu là một tồn tại khách quan, do học sinh chán học, không biết cách học và một phần do giáo viên chưa quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Dù nguyên nhân do đâu, giúp đỡ học sinh yếu, kém là việc làm thường xuyên được các trường triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, chưa bao giờ họ chịu nhiều áp lực dạy học như hiện nay, nhất là với công tác giúp đỡ học sinh yếu kém tiến bộ. Thực tế cho thấy, giáo dục một học sinh cá biệt, có học lực yếu kém mất nhiều công sức, thời gian không kém gì so với việc bồi dưỡng một học sinh giỏi.

Bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT Phú Yên bày tỏ: Để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học không phải là việc dễ dàng, cần có các giải pháp đồng bộ. Trong đó, trước hết cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để giảm tỉ lệ học sinh yếu kém. Tôi hy vọng qua cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì nghèo hay vì học yếu” sẽ góp phần tích cực trong việc giải quyết tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh. Ngành GD-ĐT sẽ tôn vinh những giáo viên sau một năm học đã có công giáo dục học sinh cá biệt, học sinh yếu kém tiến bộ.

MẠNH THÚY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek