Thứ Bảy, 12/10/2024 13:23 CH
Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh:
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Thứ Tư, 26/09/2012 14:15 CH

Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là một bài học quan trọng, giúp các em học sinh tự tin khi bước vào cuộc sống tương lai. Những năm qua, thực hiện quyết định của Bộ GD-ĐT đưa kỹ năng sống vào giảng dạy đại trà cho tất cả các cấp học, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các trường học trong tỉnh tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

hoc-sinh120926.jpg
Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường - Ảnh: T.HẰNG

Giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh không phải là chuyện riêng của nhà trường mà là trách nhiệm của mọi người. Trong đó, nhà trường có điều kiện nhất nhưng phải luôn luôn có được sự hỗ trợ của các lực lượng xung quanh, phải luôn được xã hội tạo điều kiện và hậu thuẫn. Nhà trường của chúng ta hiện nay là môi trường tốt để giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, song nhà trường cũng đừng quá ỷ lại vào lý thuyết, sách vở và những lời giáo huấn trau chuốt mà phải bằng những việc làm cụ thể, gắn học với thực hành đạo đức. Trước hết, bản thân giáo viên phải là một tấm gương sáng về đạo đức, về phẩm chất để học sinh noi theo. Mỗi nhà trường phải là một gia đình lớn gương mẫu về đạo đức để học sinh sống, học tập và rèn luyện. Một nhà trường mà nội bộ giáo viên không đoàn kết, luôn ganh tị, nói xấu nhau trước học sinh, giáo viên có hành vi sa đọa về phẩm chất đạo đức… thì nhà trường đó mãi mãi không thể nào thực hiện được vai trò giáo dục của mình chứ còn nói gì đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Lâu nay, từ “xã hội hóa” đã được sử dụng, nhưng có một lĩnh vực rất cần dùng từ này thì người ta lại chưa thường xuyên nhắc nhở. Đó là việc xã hội hóa giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Tức là mọi người trong xã hội, ai ai cũng phải có trách nhiệm giáo dục đạo đức cho trẻ. Nếu điều đó xảy ra thường xuyên và đúng nghĩa, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm về đạo đức của thế hệ tương lai. Cha mẹ học sinh kính trọng thầy, cô giáo, tôn trọng họ thì không thể có học sinh đánh lại thầy, vô lễ với thầy. Không một ai đồng tình với cái xấu, cái hư về đạo đức thì cái xấu, cái hư đó sẽ không có cơ sở để tồn tại. Hành động phục thiện của một học sinh vi phạm đạo đức không phải xuất phát từ sự thông cảm qua loa, thiếu cơ sở, sự nuông chiều hoặc những lời khuyên răn “có cánh”… mà xuất phát chủ yếu từ sự không đồng tình của mọi người đối với hành vi xấu của trẻ. Sự thờ ơ của con người đối với hành vi xấu của trẻ là một sai lầm, tạo nên sức cản lớn cho quá trình nuôi dạy trẻ nên người.

Hãy chú ý từ những biểu hiện nhỏ nhất về đạo đức học sinh. Ví như sự kính trọng thầy cô giáo, nhiều người đã từng chê hành động “ngã mũ, vòng tay, cúi đầu” của học sinh trước thầy cô giáo là phong kiến và có ý “cải tiến” nó trong thời hiện đại này. Nhưng một cái cười chẳng ra cười thay cho hành động chào thầy cô bây giờ thật ra rất vô duyên, không thể chấp nhận được. Ai cũng thấy như thế nhưng cứ cho là chuyện nhỏ hoặc không phải là việc của mình. Nhưng rõ ràng hành vi đó đang làm hư trẻ vì từ đó, dần dần trong học sinh sẽ hình thành tư tưởng xem thường, tư tưởng đồng lứa giữa con và cha mẹ, thầy và trò.

Thực hiện quyết định đưa kỹ năng sống vào giảng dạy đại trà cho tất cả các cấp học của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các trường học trong tỉnh tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường nguồn lực trong và ngoài nhà trường cho giáo dục đạo đức, hình thành các chuẩn mực đạo đức; tập trung rèn luyện cho học sinh ý thức kỷ luật... trong một số môn học và hoạt động ngoài giờ. Đối với mầm non, tiểu học là tăng cường giáo dục kỹ năng tự phục vụ, thói quen vệ sinh tốt, kỹ năng tự bảo vệ an toàn bản thân, mạnh dạn trong giao tiếp, thân thiện với bạn bè, lễ phép với người lớn… Đối với học sinh trung học, đánh giá xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh, biểu dương các điển hình tiên tiến đến việc ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định học đường, vi phạm pháp luật của học sinh.

Dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc, các trường học trong tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện các quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, chú trọng thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; quan tâm xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, lý tưởng sống cho học sinh; tổ chức tư vấn các kỹ năng ứng xử những tình huống có liên quan đến tệ nạn xã hội cho học sinh. Và một trong những vấn đề quan trọng đã được hầu hết các cơ sở trường học ở Phú Yên xác định đó là trang bị cho học sinh những kiến thức về các tác hại của các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... Qua đó giúp học sinh nhận thức và có cách phòng tránh những tệ nạn xã hội, đồng thời có khả năng tự bảo vệ mình trước những mặt trái của xã hội. Hình thức giáo dục đã được các nhà trường lựa chọn là không ép buộc mà thông qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chi đoàn. Nội dung tuyên truyền được sân khấu hóa với các vở kịch, hội thi, trò chơi, xem băng hình. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục xem học sinh là trung tâm, góp phần tạo điều kiện cho việc hoàn thiện nhân cách học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

NGÔ NGỌC THƯ

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek