Chủ Nhật, 13/10/2024 13:25 CH
Sản xuất giống cây ba kích:
Dự án nhiều tiềm năng
Thứ Hai, 09/07/2012 14:15 CH

Hội đồng Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tỉnh đã xét duyệt thông qua đề tài khoa học cấp Nhà nước: Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất giống cây ba kích tại Phú Yên do thạc sĩ Trần Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên làm chủ nhiệm. Đây là dự án khoa học được đánh giá nhiều tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

 

cay-ba-kich120709.jpg

Thạc sĩ Trần Minh Châu, chủ nhiệm đề tài, thuyết minh về dự án sản xuất giống cây ba kích tại Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI

Phú Yên có hệ thực vật phong phú và đa dạng nhờ điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi. Trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa giá trị cao, cây dược liệu nổi lên như một đối tượng đặc biệt. Phú Yên là một trong những địa phương phát triển tốt nhiều cây dược liệu như: Sa nhân, sâm bố chính, diệp hạ châu, gừng Nhật Bản, quế...

 

GIÁ TRỊ DƯỢC LIỆU CÂY BA KÍCH

 

Cây ba kích thuộc họ cà phê. Sản phẩm quan trọng của cây ba kích là rể củ của cây, là một loại dược liệu quý có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, giảm xơ cứng động mạch, tăng cường khả năng sinh lý nam giới...

 

Theo y học hiện đại, ba kích có tác dụng: tăng sức dẻo dai, sức đề kháng. Đối với người già có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít, gầy yếu mà không có yếu tố bệnh lý và một số trường hợp đau mỏi các khớp, ba kích có tác dụng tăng lực rõ rệt. Các kết quả nghiên cứu khác cho thấy ba kích có tác dụng chống viêm, hạ huyết áp, không có tính độc.

 

Theo y học cổ truyền, rễ ba kích vị ngọt, cay, hơi ấm không độc; có tác dụng: bổ thận, tráng dương, ích tinh, cường gân cốt, khứ phong thấp, bổ thận âm, bổ huyết hải, định tâm khí, trừ các loại phong, hóa đờm... chủ trị: thận hư, lãnh cảm, lưng gối mỏi, tê bại, phong thấp, thần kinh suy nhược, trúng phong, ho suyễn, tiêu chảy...

 

Có nhiều giá trị dược liệu như vậy, nên hiện nay củ ba kích có giá trị kinh tế khá cao. Giá thu mua hiện tại trên thị trường là 250.000 đồng/kg củ tươi.

 

Dự án có mục tiêu xây dựng mô hình nhân giống, trồng cây ba kích trên cơ sở ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm tạo ra nguồn cây giống có chất lượng tốt cung cấp cho bà con miền núi; góp phần đa dạng hóa cây dược liệu, xây dựng vùng dược liệu trọng điểm; bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 7 tỉ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương 4,5 tỉ, ngân sách địa phương 1 tỉ, nguồn khác 1,578 tỉ, được thực hiện từ 2013-2015.

TRIỂN VỌNG CỦA DỰ ÁN

 

Theo thạc sĩ Trần Minh Châu, việc triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống cây ba kích” có ý nghĩa quan trọng. Dự án không chỉ làm phong phú đối tượng cây trồng mà còn phát triển một loài dược liệu có giá trị kinh tế cao tham gia vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, miền núi.

 

Dự án là cơ sở cung cấp giống cây dược liệu có chất lượng tốt phục vụ cho ngành sản xuất thuốc; mô hình vườn nhân giống ba kích dưới tán rừng tạo 50-60 vạn cây giống/năm trị giá 2-2,5 tỉ đồng; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân... Hiệu quả kinh tế đối với mô hình trồng ba kích dưới tán rừng, trồng 1ha (1.000-1.500 cây) sau ba năm cho thu hoạch 1.500kg rễ củ, sẽ mang về nguồn thu 357 triệu đồng. Đối với mô hình sản xuất giống cây ba kích hiệu quả còn cao hơn. Mỗi năm sản xuất được khoảng 20.000 cây giống giâm hom, 50.000 cây giống nuôi cấy mô sẽ mang lại nguồn thu khoảng 620 triệu đồng. Đây mới chỉ là hiệu quả trực tiếp từ dự án, chưa kể hiệu quả kinh tế - xã hội theo khả năng mở rộng của dự án.

 

Hai thành viên phản biện dự án khoa học này là TS Dương Tấn Nhựt (Viện Sinh học Tây Nguyên) và TS Nguyễn Thanh Phương (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải) đều lưu ý là chủ nhiệm dự án cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến lựa chọn công nghệ và các giải pháp trong quá trình thực hiện dự án; thu thập, nghiên cứu kỹ hơn về đặc điểm sinh học của cây ba kích và điều kiện sinh trưởng tự nhiên ở Phú Yên để chọn những vùng đất trồng hiệu quả nhất... Tránh tình trạng kết quả dự án chỉ là “di thực” cây ba kích từ vùng này sang vùng khác.

  

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek