Thứ Hai, 14/10/2024 09:41 SA
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên Lê Thanh Phương:
Phải có kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ
Thứ Hai, 14/05/2012 14:00 CH

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan Nhà nước là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phú Yên xung quanh vấn đề này.

hoi-thao-tinhoc120514.jpg

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất phát biểu tại hội thảo Ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước và phần mềm ứng dụng - Ảnh: T.QUỚI

* Xin ông cho biết tính cấp thiết của việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trong tình hình hiện nay?

- CNTT đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, góp phần vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và làm thay đổi cơ bản cách quản lý, học tập, làm việc của con người. CNTT là hạ tầng quan trọng tạo điều kiện cho việc phát triển nền kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống. Trong hoạt động quản lý Nhà nước, việc ứng dụng CNTT đã và đang trở thành công tác bắt buộc và cấp thiết.

Từ năm 2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 58 về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. Tiếp đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT-TT cũng đã ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước, phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015...

* Phú Yên đã có những cơ chế, chính sách như thế nào về triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của tỉnh, thưa ông?

- Bên cạnh những văn bản pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT do Trung ương ban hành, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách liên quan đến vấn đề này như: Khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011-2015. Năm 2008, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý để thu hút các nhà đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của tỉnh.

Theo Nghị quyết số 156 năm 2010 của HĐND tỉnh và Quyết định 1360 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015: Bảo đảm 100% các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử; 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc, trong đó đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa là 70%; sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng tại Văn phòng UBND tỉnh là 100%, văn phòng UBND cấp huyện, thị xã, thành phố là 80%; triển khai các dự án cần thiết làm nền tảng cho Chính phủ điện tử.

* Theo ông, kết quả phát triển và ứng dụng CNT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh như thế nào?

- Những năm gần đây, Phú Yên đã có bước phát triển nhanh về ứng dụng CNTT và đạt nhiều kết quả ở các nhóm nội dung như: phát triển hạ tầng kỹ thuật; quản lý điều hành nội bộ, giải quyết công việc, giao dịch phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển các cơ sở dữ liệu trong hệ thống cơ quan khối Đảng và Nhà nước; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Một số kết quả tiêu biểu đạt được trong ứng dụng CNTT là: 100% sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố có mạng LAN và kết nối internet, 100% văn phòng UBND cấp xã có máy vi tính, trong đó 68/112 xã, phường, thị trấn kết nối internet, 15/112 xã, phường, thị trấn có mạng LAN; Đưa vào ứng dụng các phần mềm nguồn mở để quản lý điều hành công việc thường ngày, phần mềm hệ thống một cửa điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong ứng dụng phát triển CNTT trong các cơ quan Nhà nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai.

* Vậy đâu là những hạn chế, tồn tại, thưa ông?

- Tồn tại, hạn chế trong công tác ứng dụng phát triển CNTT trong cơ quan Nhà nước vẫn còn khá nhiều, trong đó tập trung vào bốn vấn đề: Nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành chưa đầy đủ về vai trò của CNTT trong cuộc sống, từ đó dẫn đến việc triển khai ứng dụng chưa mạnh mẽ; nguồn nhân lực về CNTT của tỉnh còn hạn chế chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng còn yếu, chưa phù hợp để sẵn sàng tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả CNTT vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đầu tư phát triển hạ tầng CNTT chưa thỏa đáng...

* Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này, Sở TT-TT có hướng đề xuất thế nào để đạt kết quả đúng tiến độ của kế hoạch đề ra?

- Chúng tôi đã có những đề xuất, kiến nghị. Với Trung ương, cần tăng ngân sách đầu tư cho CNTT không ít hơn 1% trên tổng ngân sách Nhà nước. Bộ TT-TT sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút đãi ngộ, đào tạo nhân lực CNTT, cơ chế tài chính. Đối với tỉnh Phú Yên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về phát triển ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước; cân đối nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng CNTT; xây dựng đề án và cơ chế chính sách để phát triển ứng dụng phần mềm nguồn mở, lộ trình và giải pháp khả thi giúp cho việc chủ động nắm bắt và phát triển CNTT của tỉnh...

* Xin cảm ơn ông!

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek