Thứ Hai, 14/10/2024 21:15 CH
Hoạt động KH-CN cấp huyện:
Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao
Thứ Hai, 23/04/2012 14:05 CH

Thời gian qua, hoạt động KH-CN cấp huyện được đánh giá có nhiều khởi sắc, nhiều đề tài đem lại hiệu quả và mang tính ứng dụng thực tế cao. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ.

heo-rung120423.jpg

Mô hình nuôi heo rừng lai đang được áp dụng rộng rãi không chỉ hộ dân mà ở các đồn Bộ đội Biên phòng - Ảnh: T.QUỚI

CHỌN ĐỀ TÀI SÁT NHU CẦU THỰC TẾ

Năm 2011, Hội đồng KH-CN của chín huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chín đề tài ứng dụng KH-CN tiến bộ. Trong số các đề tài đăng ký, nhiều đề tài bước đầu cho kết quả tốt và có khả năng nhân rộng như: Mô hình nuôi trùn quế ở huyện Sơn Hòa và Tuy An, mô hình nuôi nhím ở huyện Sông Hinh, nuôi heo rừng lai, nuôi dông thương phẩm ở huyện Đồng Xuân và Tuy An...

Hội đồng KH-CN huyện Tuy An đã nghiệm thu hai đề tài nuôi heo rừng lai và trùn quế, cả hai đều đạt yêu cầu và mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi heo rừng lai được triển khai tại thôn Tuy Dương (xã An Hiệp) với tổng kinh phí 67 triệu đồng (chi phí mua heo giống, vật tư, chuồng trại...). Sau 18 tháng nuôi, tổng doanh thu đạt 90,5 triệu đồng, lãi ròng hơn 23 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi trùn quế, có 7 hộ tham gia với diện tích nuôi ban đầu 210m2 (lượng giống trùn sinh khối gần 3.700kg). Sau 6 tháng, tổng diện tích nuôi tăng lên 330m2, người nuôi thu được 390kg trùn thịt, 9.900kg trùn sinh khối, 4.950kg phân trùn. Với mức giá đầu ra sản phẩm hiện tại, mỗi hộ nuôi lãi 7 triệu đồng. Ông Nguyễn Huy Tâm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An, cho biết: “Với thành công bước đầu này, huyện tiếp tục thực hiện hai đề tài ứng dụng là nuôi dông thương phẩm trên đất cát và nhân rộng mô hình nuôi heo rừng lai với kinh phí hơn 73 triệu đồng”.

Mô hình nhân rộng nuôi nhím tại các hộ dân ở huyện Sông Hinh cũng được đánh giá cao về tính hiệu quả và nhân rộng thực tế. Ông Lê Văn Lợi, một trong những hộ nuôi nhím ở huyện Sông Hinh, cho biết: Nhím cái một năm tuổi có thể sinh con, mỗi năm đẻ hai lứa, mỗi lứa bình quân 2 con. Nếu tính trung bình 1 cặp nhím trưởng thành cho thu nhập mỗi năm khoảng 15 triệu đồng, nhím sinh sản từ 12-13 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí thì dư 10 triệu đồng... Nếu nuôi nhím thịt với chuồng trại 20m2 có thể nuôi được 20 cặp, một năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Hiện ông Lợi nuôi và cung cấp nhím giống cho nhiều hộ trong tỉnh. Riêng tại thị trấn Hai Riêng có hàng chục hộ nuôi với quy mô gia đình...

Ông Lê Văn Cựu, Phó giám đốc Sở KH-CN Phú Yên cho biết: “Bên cạnh nhiều đề tài, mô hình mang lại hiệu quả, có không ít đề tài của các huyện chưa mang tính khả thi. Vì vậy với các huyện, việc chọn đề tài phải thật sát với nhu cầu thực tế mới có khả năng ứng dụng, nhân rộng cao”.

CẦN THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Khó khăn lớn nhất đối với hoạt động KH-CN cấp huyện là nhân lực và đề tài đăng ký triển khai.

Về nhân lực, theo quy định mỗi huyện, thị xã, thành phố có một biên chế để làm công tác quản lý KH-CN trực thuộc phòng kinh tế - hạ tầng. Thế nhưng, cả 9 huyện, thị xã, thành phố hiện nay chưa có định biên chính thức cho công tác này, mà kiêm nhiệm hoặc hợp đồng trả lương trích từ nguồn ngân sách KH-CN. Bà Đào Thị Thành, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hòa, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình UBND huyện xin biên chế làm công tác KH-CN nhưng vẫn không được giải quyết. Cán bộ làm công tác này là cán bộ kiêm nhiệm, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc”. Nhiều cán bộ phụ trách công tác KH-CN thuộc phòng kinh tế - hạ tầng các huyện bày tỏ bức xúc vì không có biên chế, thậm chí nhiều tháng liền chưa nhận lương do kinh phí phân bổ chậm. Kinh phí cho hoạt động KH-CN cấp huyện đã thấp, trong đó còn gánh thêm một khoản khá lớn (từ 27-32 triệu đồng/huyện) để chi lương cho cán bộ hợp đồng làm công tác KH-CN.

Khó khăn thứ hai là việc xét chọn đề tài. Ông Lê Đình Khoa, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Hòa, bày tỏ: “Hàng năm chúng tôi đều thực hiện thông báo đăng ký đề tài để xét duyệt kinh phí, nhưng hầu như không có người tham gia. Các đề tài chủ yếu là huyện đặt hàng, có sự chỉ đạo của UBND huyện mới có đơn vị, cá nhân đứng ra làm chủ nhiệm”.

Thủ tục đăng ký đề tài, quyết toán tài chính phức tạp là trở ngại không nhỏ trong quá trình thực hiện đề tài ở cấp huyện. Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định nói: “Kinh phí tỉnh cấp cho hoạt động KH-CN quá thấp, hàng năm huyện đều phải cân đối ngân sách địa phương cho hoạt động này. Hơn nữa, các thủ tục để được nhận kinh phí khoa học còn quá nhiều bước, khiến bộ phận thực hiện phải làm đi làm lại. Nên chăng, tỉnh giao kinh phí một lần ngay từ đầu năm trên cơ sở đề tài đăng ký để huyện quản lý sử dụng dưới sự kiểm tra giám sát của các ngành chuyên môn cấp tỉnh”.

Ông Lê Văn Cựu, nói: “Việc Sở KH-CN đồng ý lấy kinh phí ngân sách khoa học để trả lương là giải pháp tình thế, “xé rào” trong bối cảnh cấp huyện không có biên chế để làm công tác KH-CN. Sắp tới, sở sẽ có kiến nghị với Sở Nội vụ, kỳ họp HĐND về vấn đề biên chế này để đảm bảo công tác chuyên môn. Việc xét chọn đề tài, các huyện nên căn cứ trên vấn đề bức thiết, xây dựng mô hình rồi kết hợp với một đơn vị sự nghiệp cấp huyện hoặc cấp tỉnh để thực hiện. Điều đó vừa giải quyết khó khăn về xây dựng đề tài, vừa đảm bảo tính chuyên môn hóa và quản lý theo dõi tốt quá trình thực hiện mô hình”.

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek