Thứ Ba, 15/10/2024 03:18 SA
Sử dụng củi trấu:
Tiện ích, giảm thiểu ô nhiễm
Thứ Hai, 09/04/2012 14:00 CH

Giải pháp “Sản xuất vật liệu chất đốt bằng việc tái chế vỏ trấu” của tác giả Nguyễn Văn Nghị (29 tuổi, ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) vừa đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam lần thứ 11 về lĩnh vực Công nghệ - môi trường do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức. Với giải pháp này, sản phẩm củi trấu là nhiên liệu tiện ích, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Cui-trau-120409.jpg

Anh Nguyễn Văn Nghị, chủ cơ sở sản xuất củi trấu Nguồn Xanh kiểm tra sản phẩm củi trấu - Ảnh: H.H.THẾ

GIÁ RẺ

 

Các nhiên liệu làm chất đốt như dầu, than đá, gas... ngày càng lên giá, trong khi đó, mặt hàng mới là củi trấu vừa với túi tiền của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sản xuất củi trấu cũng làm tăng giá trị phế phẩm xay xát lúa gạo. Bà Trương Thị Trình ở thôn Phước Nông (xã Hòa Bình I, huyện Tây Hòa) cho biết: “Dùng củi trấu, tôi thấy rất lợi, chỉ cần vài khúc nhỏ đã đủ nấu một bữa ăn. Hơn nữa, củi trấu khi cháy có mùi thơm của hương lúa, ít khói và lâu tàn hơn so với các loại củi bình thường hay than đá”.

 

Theo những nghiên cứu về củi trấu cho thấy, sử dụng củi trấu tiện ích hơn rất nhiều so với các loại chất đốt khác. Củi trấu hiện có giá trên dưới 2.000 đồng/kg, phần lớn được sử dụng để đốt lò hơi công nghiệp phục vụ cho các lò sấy, nhuộm vải, giấy, may mặc, chế biến thủy sản và nông sản... Công nhân tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ mất một ít thời gian đưa củi vào lò nhưng bù lại, sức khỏe đảm bảo. Hơn nữa, nếu sử dụng than đá để đốt với giá trung bình khoảng 4.000 đồng/kg, nhiệt lượng 1kg than sẽ tương đương với khoảng 1,5kg củi trấu (khoảng 2000 đồng). Như vậy, nếu dùng củi trấu, các cơ sở sản xuất có thể tiết kiệm hơn 50% chi phí. Mỗi cơ sở sản xuất trung bình dùng 2 tấn than đá mỗi ngày, nếu chuyển sang dùng củi trấu sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/năm. Chính vì thế mà cơ sở sản xuất củi trấu Nguồn Xanh hiện đã có các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Nghị, chủ cơ sở sản xuất củi trấu Nguồn Xanh cho biết: “Hiện cơ sở sản xuất hơn 10 tấn củi/ngày, khách hàng đặt hàng ngày càng tăng. Đồng thời, cơ sở cũng đã giải quyết việc làm cho 30 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 3,6-5 triệu đồng/người/tháng”.

 

Kỹ sư Hồ Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Phú Yên cho rằng: Với những ưu điểm về hiệu quả kinh tế và môi trường, củi trấu thật sự là loại chất đốt tiện ích. Liên hiệp các hội KH-KT Phú Yên đã làm thủ tục trình UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho anh Nguyễn Văn Nghị - tác giả giải pháp “Sản xuất vật liệu chất đốt bằng việc tái chế vỏ trấu”.

GIẢM THIỂU Ô NHIỄM

 

Phú Yên có diện tích sản xuất lúa 54.000ha, nên trấu là một thứ chất thải mà các nhà máy xay xát luôn phải tìm cách giải quyết. Trong khối lượng trấu khổng lồ này, một số được đốt để bón cho cây trồng, số ít khác dùng trong việc đun nấu của các gia đình, lượng lớn trấu còn lại được các nhà máy xay xát thải ra kênh mương hoặc đốt bỏ đã gây ô nhiễm môi trường dưới hình thức khói thải, bụi hoặc rác...

 

Hiện vấn đề bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên có hạn (than đá, dầu DO, FO…), tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Do vậy, sử dụng nhiên liệu tái tạo để thay thế là nhu cầu bức thiết hiện nay. Việc sản xuất của cơ sở sản xuất củi trấu Nguồn Xanh của anh Nguyễn Văn Nghị trở nên tiện ích khi cải thiện được vấn nạn ô nhiễm môi trường.

 

Dùng củi trấu làm nhiên liêu vừa giảm thiểu được lượng chất thải ra môi trường, tàn tro của củi trấu sau khi đốt có chứa trên 80% là silic oxyt, có thể tận dụng trong việc cải tạo đất. Ngoài ra, việc sử dụng củi trấu còn là yếu tố tích cực trong việc thể hiện trách nhiệm về môi trường cho các khách hàng, đồng thời góp phần tuyên truyền cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng môi trường xanh, sạch và bền vững.

  

Quy trình sản xuất củi trấu

 

Trấu sau khi xay xát (trấu nguyên liệu) thường có độ ẩm 11%, được đổ vào phễu của máy (như phễu máy xay xát gạo) để đưa thẳng vào hệ thống cấp liệu. Máy ép hoạt động nhờ một động cơ điện công suất 11KW, trục vít quay trong khuôn ép với tốc độ 200 đến 400 vòng/phút nhờ bộ truyền đai. Xung quang khuôn ép được gia nhiệt bằng 3 vòng điện trở có công suất 6 đến 8KW. Mục đích của việc gia nhiệt này nhằm làm mềm nguyên liệu - giảm ma sát và lực ép, đồng thời làm chảy ligin. Do phế phẩm này đã có chứa sẵn chất kết dính (gọi là ligin) nên khi ép, tác dụng của nhiệt ma sát và nhiệt từ khuôn ép đã giúp tạo nên chất kết dính chắc chắn. Do vậy, củi trấu này còn chắc hơn cả gỗ củi dùng thông thường khác.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek