Thứ Ba, 15/10/2024 13:19 CH
Đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất:
Thời điểm đã thích hợp
Thứ Hai, 05/03/2012 14:00 CH

Thế giới đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và thương mại hóa cây trồng biến đổi gen (công nghệ sinh học - CNSH), còn tại Việt Nam đến thời điểm này vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm, đánh giá. Trong khi đó, tăng năng suất cây trồng, thu nhập cho nông dân được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết. Chính vì thế, khi nói về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho rằng, Việt Nam đã quá kín kẽ trong việc đưa giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất.

 

DUA-HAU120305.jpg

Thu hoạch dưa hấu ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: N.CHUNG

* Thưa ông, cây trồng biến đổi gen có tác động như thế nào trong sản xuất nông nghiệp?

 

- Thực tế cho thấy, việc cải tiến cây trồng chỉ theo phương pháp thông thường sẽ không thể tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2050. Vì vậy, cây trồng biến đổi gen không phải là liệu pháp tổng thể nhưng là giải pháp quan trọng để góp phần tăng năng suất cây trồng. Năm 2011, cây trồng biến đổi gen đã được 16,7 triệu nông dân tại 29 nước đưa vào canh tác trên diện tích 160 triệu hecta (tăng 148 triệu ha so với năm 2010).

 

Trong số 29 nước canh tác cây trồng biến đổi gen có tới 19 nước đang phát triển và 10 nước công nghiệp. Năm 2011, diện tích của loại cây trồng này tăng tới 94 lần so với năm 1996, và trở thành loại cây trồng được đưa vào ứng dụng nhanh nhất trong những năm gần đây.

 

Cũng trong năm qua, diện tích cây trồng biến đổi gen ở các nước đang phát triển tăng 11%, tương đương 8,2 triệu hecta, tăng nhanh gấp đôi và lớn gấp 2 lần so với mức tăng 5% và diện tích 3,8 triệu hecta ở các nước công nghiệp.

 

Diện tích cây trồng CNSH ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% diện tích cây trồng CNSH trên toàn cầu trong năm 2011, dự kiến vượt diện tích trồng của các nước công nghiệp vào năm 2012.

 

* Lâu nay, có nhiều ý kiến trái chiều về cây trồng biến đổi gen song trên thực tế, chưa ai nhìn thấy tận mắt những tác động tiêu cực của nó. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

- Bản thân tôi đã đi nhiều nước, đã từng ăn ngô biến đổi gen nhưng đến nay vẫn chưa thấy có cái gì gọi là biến đổi cả. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều đã từng dùng sản phẩm biến đổi gen, trong siêu thị rất nhiều mặt hàng là các sản phẩm sơ chế, chế biến có nguồn gốc từ bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, đậu Hà Lan là sản phẩm biến đổi gen.

 

Đó là chưa kể tới hàng năm, Việt Nam nhập khẩu hàng triệu tấn ngô và đậu tương từ Hoa Kỳ, Brazil..., những nước có diện tích trồng cây biến đổi gen lớn nhất thế giới làm thức ăn cho gia súc nhưng đến nay chúng ta đã thấy hệ quả gì chưa?

 

* Như vậy, chúng ta quá thận trọng khi đưa cây trồng này vào sản xuất, thưa ông?

 

- Chúng ta không phải thận trọng mà là đã quá kín kẽ đối với cây trồng biến đổi gen. Cẩn thận là cần thiết nhưng phải có cơ sở khoa học để tạo niềm tin cho nông dân.

 

Đến giai đoạn này, tôi cho rằng chúng ta không nên kín kẽ quá. Trong khi chúng ta cứ lo ăn phải sản phẩm biến đổi gen sẽ bị thế này, thế khác thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Cana­da, Brazil người ta đã dùng cả rồi.

 

Tôi cho rằng không ai khác, chính các nhà khoa học phải tạo niềm tin cho mọi người trên cơ sở khoa học. Chúng ta biết được rằng đưa các giống biến đổi gen vào sản xuất, hiệu quả rất cao do năng suất, chất lượng đều tăng.

 

* Tại Việt Nam, để ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất mà cụ thể là cây trồng biến đổi gen, xin ông cho biết chúng ta cần có chính sách gì và tháo gỡ vướng mắc như thế nào để đẩy nhanh quá trình này?

 

- Về mặt khoa học chúng tôi rất nóng lòng bởi chung quanh nước ta có rất nhiều nước đã ứng dụng giống biến đổi gen vào sản xuất, đây là một tiến bộ kỹ thuật mới nhất.

 

Từ năm 2010 nước ta đã có hẳn một quy chế về an toàn sinh học cho các cây trồng biến đổi gen, sau khi có quy chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cho phép đưa các giống vào khảo nghiệm. Giống đầu tiên là ngô, sau khi tiến hành khảo nghiệm ở Viện Di truyền nông nghiệp trên diện rộng, năm 2011, chúng ta đã kết hợp với một số công ty như Syngenta, Dekalb, Bioseed... trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen tại miền Bắc, Tây Nguyên và Long An. Cái hay của những giống ngô này là năng suất tăng gấp đôi, đồng thời mang gen BT 11 giết được sâu đục thân, và gien GA ngô có thể kháng được thuốc trừ cỏ.

 

* Câu hỏi được đặt ra là, các giống bắp đã lai tạo theo quy cách bình thường cũng có giống đạt năng suất 7-8 tấn. Vậy việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen có cần thiết?

 

- Tôi cho rằng, ở những khu vực nhiều cỏ, sâu, bà con nên trồng ngô biến đổi gen, còn các vùng khác vẫn có thể trồng giống bình thường.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

QUỲNH HƯƠNG (thực hiện)

(KTNT)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek