Áp dụng các giải pháp kỹ thuật đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp cho ngôi nhà bền vững trước gió bão, nước lũ là điều được nhiều người quan tâm.
Một mẫu thiết kế nhà chống bão có thể tham khảo
Hằng năm tỉnh Phú Yên phải hứng chịu nhiều bão, lũ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, nhất là bà con nhân dân tại các vùng nông thôn nghèo, vùng trũng, vùng triều cường xâm thực. Hiện nay là thời điểm bà con đang bắt đầu xây dựng, cải tạo nhà ở. Sau đây là một số giải pháp mà khi xây nhà, chủ nhà nên chú ý áp dụng.
Về quy hoạch, bố trí mặt bằng nhà: mặt bằng nhà không nên hẹp và quá dài, chiều dài nhà không nên quá 3 lần chiều rộng. Nên bố trí không gian bên trong hợp lý, có các tường ngang để tăng độ cứng cho ngôi nhà. Cần tránh các dạng mặt bằng tạo túi hứng gió như dạng chữ U, L, T. Trong nhà cần bố trí nơi an toàn để trú bão và tránh lũ, tốt nhất là làm gác lửng bằng bê tông cốt thép hay bằng gỗ cao khoảng 2,5m từ nền nhà.
Về kiến trúc: mái nhà nên có độ dốc 300 – 400 để giảm lực hút khi có gió bão. Nếu dùng mái tôn có độ dốc thấp cần bố trí các nẹp bằng thép D8-D10 liên kết vào xà gồ hay “con lươn” bằng bê tông cốt thép đè trên mái với khoảng cách 1,5-2m để tránh gió hút tốc mái. Hai bên đầu mái làm các “con lươn” bằng gạch hoặc bê tông cốt thép. Đối với nhà có mái hiên thì nên tách rời phần mái hiên với mái nhà chính. Trong nhà nên đóng trần để vừa chống nóng, chống ồn vừa có tác dụng giảm lực hút khi có gió bão. Các cửa đi, cửa sổ bên ngoài nhà không nên có kích thước quá lớn và phải bảo đảm kín gió khi đóng.
Về kết cấu chịu lực: hệ kết cấu của ngôi nhà phải được cấu tạo và liên kết theo nguyên tắc đảm bảo khả năng chịu lực và truyền lực. Nếu có điều kiện, bà con nên làm móng trụ bê tông cốt thép chịu lực là tốt nhất, nếu là tường chịu lực thì móng đá chẻ phải có chiều sâu đảm bảo ổn định cho ngôi nhà, tốt nhất là từ 0,8m trở lên tính từ mặt đất xuống, chiều rộng móng đá chẻ tối thiểu là 0,4m. Tường chịu lực nên xây dày 20cm trở lên, nếu xây tường 10cm thì phải có bổ trụ 0,2x0,3m với khoảng cách không quá 3m và nên bố trí trùng với vị trí tường ngang để tăng độ cứng cho nhà.
Đối với nhà xây dựng tại các vùng sạt lở ven sông hay các vùng triều cường xâm thực ven biển, để chống sạt lở thì một giải pháp hữu hiệu là dùng buy giếng bằng bê tông đường kính 1,0-1,2m dày 10cm bên trong nhồi cát chôn sâu 1,5-2,5m dưới mực nước, xếp sát nhau để vừa làm móng nhà vừa làm kè chắn. Một giải pháp nữa có thể áp dụng là dùng kè “mềm” bằng vải địa kỹ thuật hoặc vải bố tạo thành các túi dài đường kính 1,2-1,5m bên trong nhồi cát để làm kè chắn sóng đặt phía ngoài công trình ở khoảng cách phù hợp sao cho khi triều cường sóng biển không tác động được đến chân công trình.
Ngôi nhà vừa là nơi ở, sinh hoạt vừa là tài sản lớn của gia đình ở vùng nông thôn, vì vậy khi xây nhà, người dân cần ứng dụng các giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại tính bền vững, ổn định cho ngôi nhà trong quá trình sử dụng, nhất là trong lúc có bão, lũ.
ThS. HUỲNH LỮ TÂN
(Sở Xây dựng Phú Yên)