Các tiến bộ về công nghệ, di truyền học, sinh học và khoa học não bộ đang giúp mục tiêu trả lại ánh sáng cho người khiếm thị trở nên khả thi hơn.
Ảnh: The New York Times
Phương pháp phẫu thuật cấy võng mạc nhân tạo, được tiến sĩ Mark S. Humayun - Đại học Nam California (Mỹ) - phát triển, đã giúp những người khiếm thị tham gia thử nghiệm có thể phân biệt được các đồ vật khác nhau, nhận dạng những chữ cái có kích thước to, thấy các đốm lửa trên lò...
Một bảng điện cực được cấy vào mắt và người khiếm thị đeo loại kính có gắn một camera tí hon để thu ảnh. Bộ xử lý đeo ở thắt lưng có nhiệm vụ chuyển đổi hình ảnh sang dạng những hình mẫu sáng - tối và điều khiển để mỗi điện cực truyền các tín hiệu biểu thị cho những viền ngoài của vật thể, độ sáng và độ tương phản dưới dạng xung dao động, qua các nơron thần kinh thị giác đến não. Các hình ảnh hiện rất đơn giản vì bảng cấy ghép chỉ chứa 60 điện cực, và người khiếm thị chỉ thấy các đốm sáng.
Những phiên bản 200 và 1.000 điện cực đang có kế hoạch triển khai nhằm tạo độ phân giải cao đủ để người khiếm thị đọc, viết và nhận rõ mặt. Đến nay, phương pháp này được áp dụng với người bị viêm sắc tố võng mạc và các trường hợp thoái hóa điểm vàng nghiêm trọng do tuổi tác.
Việc nghiên cứu đa phương pháp rất quan trọng vì những kỹ thuật khác nhau có thể giúp chữa trị các nguyên nhân gây mù lòa khác nhau. Liệu pháp gen phần nào cải thiện thị giác cho những người khiếm thị do mắc một chứng bệnh bẩm sinh hiếm gặp nào đó. Công trình cấy “mắt điện tử - sinh học” vào sau võng mạc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ lại chỉ áp dụng được ở những người khiếm thị từng nhìn thấy và hiện vẫn còn nguyên vẹn một phần tế bào thần kinh thị giác.
Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu loại protein phản ứng với những kích thích ánh sáng hay cấy ghép điện cực vào não khỉ để kiểm tra việc kích thích trực tiếp vùng thị giác ở não có giúp những người khiếm thị nhìn thấy được hay không.
Mới đây, bà Sharron Kay Thornton, 60 tuổi, sống tại bang Mississippi (Mỹ), bị mù vì một chứng bệnh ngoài da và đã phục hồi thị lực một bên măt sau khi được Đại học y Miami Miller lấy một chiếc răng, đẽo gọt dùng làm điểm tựa để gắn thủy tinh thể làm bằng chất dẻo thay thế giác mạc. Kỹ thuật này có thể giúp ích cho những người mất thị lực do giác mạc bị sẹo gây ra bởi hóa chất hay ẩu đả.
Theo TTO