Sò huyết đầm Ô Loan (huyện Tuy An) từ lâu được xem là đặc sản quý vì chất lượng thịt thơm ngon hơn sò huyết ở các vùng khác. Tuy nhiên, trước tình trạng khai thác bừa bãi, cộng với những biến đổi bất lợi về môi trường và khí hậu đã làm cho nguồn lợi sò huyết trong đầm ngày càng cạn kiệt. Một hội thảo bàn về các giải pháp nhằm tái tạo và bảo vệ bền vững nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan vừa được các nhà quản lý, khoa học Phú Yên đưa ra. Đây cũng là nội dung đề tài nghiên cứu khoa học do Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên triển khai.
Phó Chủ tịch UBND xã An Hải (huyện Tuy An) Ngô Văn Yêm đề nghị: “Cần tuyên truyền giáo dục và cộng đồng dân cư giám sát việc khai thác bảo vệ sò huyết đầm Ô Loan. - Ảnh: M.NGUYỆT
Ô LOAN CẠN SÒ HUYẾT
Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định: Sản lượng sò huyết của đầm Ô Loan ngày càng giảm là do diện tích nuôi tôm quanh đầm tăng lên, kèm theo đó là những hóa chất diệt tạp, chất thải trong quá trình nuôi đã làm ô nhiễm môi trường nước; lớp trầm tích trong đầm tích tụ nhiều, nền đáy bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, cửa đầm thông với biển ngày càng hẹp dẫn đến mức độ trao đổi nước giữa đầm và biển kém, nước trong đầm bị ngọt hóa nên không phù hợp cho sự sinh sản và phát triển của sò huyết cũng như nhiều đối tượng thủy sản khác. Ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và sò huyết nói riêng của cư dân quanh đầm chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng các loại thủy sản quý trong đầm.
Ông Trần Sáu - Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuy An cho biết: “Năm nào cửa Tân Quy, An Hải bị lấp thì năm đó sản lượng sò huyết trong đầm giảm. Vào những ngày chính vụ khai thác sò huyết, chỉ riêng thôn Phú Sơn (xã An Ninh Đông) có một “đội quân” không dưới 100 người được chở đi bằng xuồng máy tới các khu vực có sò phân bố để “dàn trận” bắt. Vì vậy, nếu năm nào sò “dậy” (xuất hiện) nhiều thì cũng chỉ một thời gian ngắn là cạn kiệt. Họ khai thác không có chọn lọc, gặp gì bắt nấy nên nguồn sò huyết đầm Ô Loan cạn kiệt là điều tất yếu”.
Theo những người khai thác sò huyết ở đầm Ô Loan trước đây, sản lượng đánh bắt trước năm 2005 tương đối lớn và ổn định, thế nhưng từ sau năm 2005 sản lượng sò huyết giảm dần và hiện nay không còn. Ông Lưu Quốc Thắng – cán bộ của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên - người trực tiếp thực hiện đề tài nói: “Trong tháng 9/2009, trung tâm đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát 5 đợt tại 5 xã trên đầm với 15 điểm khảo sát đều không phát hiện sò huyết phân bố. Kết cấu chất đáy của các điểm này chủ yếu là bùn có xen lẫn vỏ của các động vật hai mảnh vỏ khác như sò điệp, hàu, móng tay… Điều này chứng tỏ lượng chất thải tồn lưu trong đầm trong những năm qua là rất lớn”.
Bà Phạm Thị Thùy Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An thừa nhận: “Chính quyền địa phương còn yếu kém trong công tác quản lý nên đã xảy ra tình trạng nuôi tôm không theo quy hoạch, đa số là hồ hở, dẫn đến nước đầm Ô Loan bị ô nhiễm nghiêm trọng, thủy sản bị cạn kiệt là một thực tế đáng buồn. Chúng tôi rất trăn trở và mong sớm có giải pháp để khôi phục”.
KHÔI PHỤC SÒ HUYẾT, CÁCH NÀO?
Để quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có hiệu quả, theo ông Võ Chanh - cán bộ Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên: “Cần có sự tham gia đồng bộ giữa các ngành: Thủy sản, Tài nguyên môi trường, chính quyền địa phương, nhất là cộng đồng ngư dân ven đầm. Bên cạnh đó, cần giải tỏa các hồ tôm trong đầm đã thua lỗ nhiều. Để tái tạo sò huyết đầm Ô Loan, bên cạnh việc bảo vệ nguồn lợi cần phải chọn các bãi bồi thích hợp, tổ chức nuôi dưỡng, nhân rộng sò huyết”.
Ông Trần Sáu cho rằng: “Để cải tạo môi trường đầm đúng hướng, cần có sự đầu tư thích đáng như cố định cửa đầm nhằm tăng khả năng thoát lũ và trao đổi nước. Bên cạnh đó, xác định lại vùng có sò huyết phân bố, định ra cho địa phương vùng cần bảo tồn với quy mô, diện tích cần điều tra, kết hợp với định kỳ thu mẫu. Do vậy, mô hình này cần phải kéo dài trên 3 năm. Xây dựng vùng quản lý, nuôi thí điểm là công việc sát với mục tiêu đề ra của mô hình nhằm chứng minh cho nhân dân thấy sự cần thiết phải bảo vệ, khai thác có chọn lọc”.
Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên Hồ Văn Phước đề xuất: “Nếu đề tài chỉ dừng lại ở điều tra, tham gia bảo tồn thôi thì chưa đủ. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần vào cuộc với quyết tâm cao vì sự sống còn của đầm Ô Loan. Danh thắng cấp quốc gia này phải thu hút khách du lịch bằng đặc sản sò huyết như nó đã từng có”.
Gắn trách nhiệm địa phương với đơn vị thực hiện đề tài là điều cần thiết để tránh việc người dân khai thác tùy tiện. Sau khi đề tài kết thúc, cần có sự quản lý trong khai thác. Theo ông Ngô Văn Yêm - Phó Chủ tịch UBND xã An Hải: “Cần phân bố các điểm nuôi sò huyết đều trong đầm để có kết quả so sánh. Việc cấm khai thác theo kích cỡ đối với ngư dân là rất khó, cần tuyên truyền giáo dục và cộng đồng dân cư giám sát. Ngoài ra, cần có cơ chế trong việc giám sát bảo tồn nguồn lợi thủy sản đối với địa phương”. Bà Phạm Thị Thùy Lê quả quyết, UBND huyện Tuy An sẽ chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động để người dân nhận thức đúng việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như khai thông cửa biển An Hải, có sự đầu tư hạ tầng quanh vùng. Nếu đề tài thành công, cần nhân rộng”.
“Bảo vệ sò huyết đầm Ô Loan là một việc làm đòi hỏi mất nhiều thời gian. Đây là đề tài điểm, xem như bước khởi đầu để thực hiện nhiều đề tài tiếp theo” - Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên Huỳnh Duy Hiếu. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc đưa giống sò huyết từ nơi khác vào đầm, vì nếu như thế sẽ làm mất đi đặc trưng của sò huyết Ô Loan.
Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN CHÍNH - nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 Nha Trang: “Đối với động vật thân mềm 2 vỏ nói chung, sò huyết nói riêng có vai trò rất quan trọng vì nó thu hút mùn bã chất hữu cơ và chất thải trong đầm. Các đìa nuôi tôm có nuôi xen kẽ một ít sò huyết thì môi trường sẽ đỡ nhiễm bẩn, thời gian nuôi tôm có thể kéo dài, tôm sẽ có kích cỡ lớn và chất lượng hơn. Cần vận động ngư dân cấm khai thác sò huyết dưới 2,6 cm. Điều cần làm trước mắt là đầm Ô Loan phải khai thông cửa biển để nước thoát được, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Việc nuôi tôm nên bố trí mật độ, vùng nuôi cho phù hợp. Việc mua sò huyết ở nơi khác về thả nuôi phải được kiểm nghiệm, môi trường tốt thì sò sẽ sinh sản rất nhanh, chất lượng sẽ vẫn thơm ngon vì thủy nhưỡng ở đây rất tốt, chất đáy phù hợp với sự sinh sản, phát triển của sò huyết. Để có nguồn giống đầy đủ, ngoài nguồn giống tự nhiên phải có nguồn giống nhân tạo. Làm thế nào để có giống sò huyết và nuôi sò huyết thắng lợi là điều cần nghiên cứu trong việc tái tạo, bảo vệ. Điều quan trọng khác là cần hạn chế thuyền bè qua lại các bãi sò giống.
MINH NGUYỆT