Nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) cấp thiết mới phát sinh là các đề tài KHCN cấp nhà nước cần thực hiện ngay nhằm giải quyết những vấn đề KHCN xuất hiện trong sản xuất và đời sống xã hội, vượt quá khả năng tự giải quyết của các địa phương và xuất hiện tại những thời điểm mà kế hoạch KHCN đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Đào Tứ Xuyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Phân tích mẫu sản phẩm tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Xin ông cho biết điều kiện nào để thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh?
- Nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh phải đáp ứng các yêu cầu như bảo đảm giá trị thực tiễn, giá trị KHCN và tính khả thi của quy định về việc xác định nhiệm vụ KHCN thuộc các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, trực tiếp hoặc góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh; phù hợp với năng lực tiếp nhận của tỉnh, có khả năng huy động sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh là tổ chức KHCN có tư cách pháp nhân, có chức năng hoạt động trong cùng lĩnh vực chuyên ngành.
* Trách nhiệm của Sở KHCN đối với hoạt động này như thế nào, thưa ông?
- Sở KHCN sẽ tổng hợp các nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh tại địa phương trình UBND tỉnh xem xét và đề nghị Bộ KHCN hỗ trợ thực hiện. Đơn vị còn phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí từ ngân sách địa phương và kế hoạch huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Sở KHCN cùng với văn phòng Bộ KHCN (đồng bên A) ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh với đơn vị chủ trì thực hiện. Sở có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tham gia kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh; cùng với văn phòng Bộ KHCN đôn đốc và hướng dẫn đơn vị chủ trì, xây dựng báo cáo định kỳ, báo cáo tổng kết kết quả thực hiện ở địa phương mình; thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đối với các nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh thực hiện trên địa bàn. Đơn vị còn phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn xây dựng kế hoạch áp dụng kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh vào sản xuất và đời sống xã hội ở địa phương.
* Việc xét chọn nhiệm vụ, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh như thế nào?
- Khi có các vấn đề KHCN xuất hiện trong sản xuất và đời sống xã hội tại các địa phương thì UBND tỉnh tổng hợp đề nghị Bộ KHCN xem xét hỗ trợ thực hiện. Bộ KHCN thành lập hội đồng KHCN cấp nhà nước để tư vấn việc xác định nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh. Căn cứ vào nội dung của nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh, Bộ KHCN tổ chức việc lựa chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện theo hình thức giao trực tiếp.
* Việc điều chỉnh, bổ sung trong khi thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh ra sao, thưa ông?
- Trong quá trình thực hiện, Bộ KHCN và các bên tham gia ký hợp đồng đều có thể đưa ra kiến nghị điều chỉnh nội dung, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh cho phù hợp với thực tế. Đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp như đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh không bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí đối ứng và các điều kiện khác như cam kết trong hợp đồng; kinh phí của các nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh được sử dụng sai mục đích. Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp thiết mới phát sinh nếu bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng phải ngừng mọi hoạt động và báo cáo UBND tỉnh, Bộ KHCN bằng văn bản về những công việc đã triển khai, kinh phí đã sử dụng để xem xét, giải quyết theo quy định hiện hành.
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)