Một hiệp định do LHQ bảo trợ nhằm chống lại những hoá chất nguy hiểm đã bổ sung thêm 9 chất được dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu, chất chống cháy và các sản phẩm khác.
Vừa qua, một hội nghị có sự tham gia của 160 quốc gia về những chất nguy hiểm đến sức khoẻ con người do LHQ bảo trợ đã bổ sung vào danh sách các chất gây ô nhiễm hữu cơ rất bền (Persistent Organic Pollutant, viết tắt POP) để cấm hoặc hạn chế sử dụng, do Chương trình môi trường của LHQ quy định.
Hiệp định mà các nước đã ký kết năm 2004 nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người khỏi những hoá chất rất nguy hiểm, tồn tại lâu dài trong khí quyển, trong đất đai, trong nước và đình chỉ hoàn toàn việc sản xuất chúng. Cho tới nay, người ta mới cấm “một tá chất bẩn thỉu” (“dirty dozen”) gồm 12 hoá chất như DDT và Clordan (dùng làm thuốc trừ sâu). Những nước đã phê chuẩn hiệp định đều đưa vào luật pháp của mình việc cấm và hạn chế lưu hành chúng.
Việc sử dụng DDT dưới dạng bình xịt để diệt trừ muỗi lan truyền bệnh sốt rét được cho phép như một ngoại lệ trong hiệp định. Nhưng Tổ chức Môi trường và Y tế đã cho biết có những chất thay thế được DDT trong việc chống sự lan truyền của bệnh sốt rét. Và như vậy, vào đầu những năm 2020, việc sản xuất DDT sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Những chất POP đặt ra những nguy cơ lớn đối với nhân loại và môi trường vì chúng thường gây hại cho sức khoẻ sinh sản, dẫn đến các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, gây ung thư và kìm hãm sự phát triển bình thường, Donald Cooper, thư ký điều hành của hiệp định khẳng định. Ông cho biết: “Những chất gây ô nhiễm có một số đặc tính khiến chúng trở nên đặc biệt nguy hiểm".
Những hoá chất đó cứ tích lũy mãi trong môi trường, thông qua khâu lương thực thực phẩm và trở lại trong cơ thể con người và gây hại tiềm ẩn với mức độ ngày một tăng.
Thêm vào danh sách cũ, hội nghị còn quyết định cấm clodecon, được dùng làm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp; hexabrombiphenyl, một hoá chất công nghiệp dùng làm thuốc chống cháy, ngăn ngọn lửa lan rộng; lindan (tức 666) dùng làm thuốc trừ sâu cho đất, bảo quản gỗ và trừ ve, bét, rận... cho các động vật.
Lindan là chất duy nhất mà hiện nay vẫn còn một số nước sản xuất, còn clodecon và hexabrombiphenil hiện không còn nơi đâu sử dụng nữa, David Ogden, điều phối viên của hiệp định cho biết.
Trong phần kết luận của bản hiệp định, các nước đều bảo đảm rằng sẽ cấm tất cả những hoá chất mà hiệp định quy định.
Hội nghị cũng quyết định hạn chế việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh chất PFOS, một hoá chất rất độc dùng nhiều trong ngành điện tử như sản xuất các linh kiện bán dẫn.
PFOS là chất gây khó khăn nhất trong quyết định đưa vào danh sách cấm vì chúng còn được sử dụng rất rộng rãi.
"Việc buôn bán chất PFOS hiện rất mạnh. Doanh số của chúng lên tới hàng tỉ đôla và nhiều chủng loại sản phẩm (điện tử) rất cần đến nó”,
Theo VNN