UBND tỉnh Phú Yên vừa có chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh sử dụng các phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước, nhằm góp phần hạn chế vi phạm bản quyền. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Phú Yên (Sở Thông tin - Truyền thông) xung quanh vấn đề này.
Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Phú Yên tập huấn sử dụng phần mềm mã nguồn mở cho cán bộ, công chức trong tỉnh - Ảnh: MINH NGUYỆT
* Xin ông cho biết ưu, nhược điểm của việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở?
Lợi ích của phần mềm mã nguồn mở thể hiện rõ nhất ở tính kinh tế, sử dụng phần mềm này sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở cũng không lệ thuộc vào bất cứ nhà sản xuất và cung cấp phần mềm ứng dụng nào. Cộng đồng sử dụng mã nguồn mở có khả năng chủ động mở rộng, nâng cấp các chức năng đã có, bổ sung và phát triển các ứng dụng theo nhu cầu riêng. Phần mềm mã nguồn mở có những ưu điểm đáng kể như an toàn, đáng tin cậy, giúp người lập trình và sử dụng dễ phát hiện, khắc phục những lỗ hổng mất an toàn trước khi chúng bị lợi dụng, đồng thời giúp các nhà lập trình sáng tạo ra phần mềm riêng của mình. Các phần mềm mã nguồn mở thường có quy trình rà soát chủ động chứ không phải rà soát đối phó. Ngoài ra, chúng được thiết kế với một cấu trúc an toàn bảo mật cao, để một người sử dụng bất kỳ không thể đột nhập vào máy chủ, ăn trộm dữ liệu cá nhân của người khác hoặc làm cho mọi người không thể tiếp cận được với các dịch vụ do hệ thống cung cấp. Phần mềm mã nguồn mở được đưa lên mạng, ai cần sử dụng thì dowload xuống và điều chỉnh để phần mềm thêm hoàn chỉnh. Do vậy trong tương lai, phần mềm này sẽ phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh ưu điểm, phần mềm mã nguồn mở cũng còn một số hạn chế nhất định như thiếu các ứng dụng kinh doanh đặc thù, do thiếu những người vừa giỏi về kỹ thuật lại vừa thạo về kinh doanh. Các phần mềm mã nguồn mở, nhất là khi cài trên máy để bàn, thường không hoàn toàn tương thích với phần mềm nguồn đóng. Đến lúc nào đó, khi các công ty đã chuyển từ hệ thống chuẩn đóng sang chuẩn mở thì vấn đề này sẽ được khắc phục. Phần mềm mã nguồn mở thiếu tính tiện dụng vốn là đặc trưng của phần mềm thương mại. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của phần mềm mã nguồn mở, tất cả những hạn chế này sẽ dần được khắc phục.
* Việc ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở ở Phú Yên đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?
Việc ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở ở Phú Yên hiện còn rất rời rạc. Nguyên nhân là người sử dụng nhận thức chưa đầy đủ về tính ưu việt của phần mềm mã nguồn mở, vẫn còn thói quen tùy tiện trong sử dụng và đặc biệt là việc vi phạm bản quyền phần mềm còn phổ biến. Năm 2008, Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Phú Yên đã tổ chức 5 lớp tập huấn về phần mềm mã nguồn mở với hơn 100 học viên. Đây là chương trình đào tạo thử nghiệm ứng dụng phần mềm mã nguồn mở theo chỉ tiêu UBND tỉnh đưa ra. Nội dung tập huấn gồm tin học văn phòng OpenOffice.org với các chức năng tương tự như Word, Powerpoint, Excel; trình duyệt web - Mozilla Firefox sử dụng trình duyệt web, khai thác dịch vụ trên Internet; thư điện tử - Mozilla Thunderbird giúp khai báo hộp thư, soạn và gửi thư, nhận thư, trả lời và chuyển tiếp thư đã nhận; bộ gõ tiếng Việt - Unikey tương tự Vietkey về cách cài đặt, chọn kiểu gõ. Để giúp các đơn vị ứng dụng hiệu quả các phần mềm mã nguồn mở thay thế các phần mềm thương mại vi phạm bản quyền, Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông cũng đã cài đặt, chuyển giao phần mềm mã nguồn mở tại các đơn vị có học viên tham gia. So với yêu cầu, số lượng học viên vẫn còn ít. Thời gian tới, Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên sẽ tiếp tục đào tạo chương trình này.
* Theo ông, cần phải làm gì để thực hiện tốt chỉ thị của UBND tỉnh về việc các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng phần mềm mã nguồn mở?
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần tuyên truyền phổ biến tính ưu việt của phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là khả năng chống vi phạm bản quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định WTO của phần mềm mã nguồn mở đến người sử dụng. Khả năng thực hiện tốt chỉ thị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là kinh phí và sự quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị. Các vị lãnh đạo cần tham gia các lớp tập huấn, gương mẫu sử dụng và triển khai cho cả đơn vị sử dụng phần mềm này. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ thông tin cần chủ động xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo về phần mềm mã nguồn mở, đưa vào chương trình đào tạo về tin học cơ bản, tin học văn phòng, tin học nâng cao. Các doanh nghiệp cung cấp máy tính phải cài đặt phần mềm mã nguồn mở vào máy tính khi cung cấp cho các cơ quan, tổ chức nhà nước; không được cung cấp ra thị trường các máy tính với những phần mềm không có bản quyền.
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)