UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở NN&PTNT chủ động giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh DTHCP, không để lây lan diện rộng.
Hướng dẫn thú y cơ sở, người chăn nuôi thường xuyên theo dõi động vật nuôi, đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Thường trực Ban chỉ đạo 389 của tỉnh chủ động phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát, phát hiện kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo với cơ quan thú y giải quyết dứt điểm ổ dịch bệnh DTHCP khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh, nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ dịch bệnh DTHCP trên địa bàn 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng số heo buộc tiêu hủy là 81.030 con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
(PYP)