Thứ Năm, 21/11/2024 17:26 CH
Người thầy và những “Ước vọng cho học đường”
Chủ Nhật, 17/11/2024 07:11 SA

Tại TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Sách hay 2024 thuộc Dự án khuyến đọc sách hay, Viện Giáo dục IRED và Sáng kiến OpenEdu vừa trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc do học giả và độc giả bình chọn. Ở hạng mục Sách giáo dục, vinh dự đã thuộc về tác phẩm Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục của GS.TS Huỳnh Như Phương - người thầy của bao thế hệ người học dưới mái nhà Văn khoa thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

 

Tác phẩm “Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục” của GS.TS Huỳnh Như Phương. Ảnh: BÍCH DUYÊN

 

GS.TS Huỳnh Như Phương sinh năm 1955 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học... Ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị học thuật và thực tiễn cao trong các lĩnh vực văn học, văn hóa, giáo dục… Ông là một nhà giáo được nhiều thế hệ học trò kính trọng, yêu mến, ngưỡng mộ vì sự mẫu mực và học vấn uyên thâm của mình.

 

Từ những ước vọng…

 

Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục gồm 20 bài viết được tác giả chọn lựa từ các bài viết về chủ đề giáo dục trong suốt hơn 45 năm làm nghề của mình. Đó là những suy nghĩ, băn khoăn của tác giả về các vấn đề rất cụ thể, như về đường hướng và môi trường giáo dục (đặc biệt là giáo dục đại học), về đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở trường phổ thông, về công tác tuyển sinh và tuyển dụng, về vị trí, phẩm chất nhà giáo và mối quan hệ thầy trò.

 

Như chính tác giả viết trong Lời thưa của tác giả ở đầu sách, một số nội dung mà tác giả đề cập có thể đã bị cuộc sống vượt qua (như vấn đề tăng học phí, lộ trình biên soạn sách giáo khoa…), nhưng “dù sao, trong giới hạn lịch sử của nó, đó là những đóng góp khiêm tốn vào sự phát triển của giáo dục, lĩnh vực có lẽ là quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của đất nước”.

 

Song chính ở chỗ bị cuộc sống vượt qua đó, người đọc có thể nhận ra được tính dự báo của các bài viết, từ đó cho thấy tác giả có một cái nhìn sáng tỏ, thấu suốt về vấn đề. Ngoài ra, nhiều nội dung vẫn đang được xã hội, các cơ quan hữu trách, những cá nhân liên quan quan tâm, thảo luận vừa để thay đổi tư duy, nhận thức, vừa tìm hướng giải quyết hiệu quả ở thời điểm hiện tại và tương lai (chẳng hạn như vấn đề giáo dục nhân văn ở trường đại học có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh đời sống KT-XH đất nước ta đang phát triển, những giá trị nhân văn đang bị thử thách và xét duyệt; về việc tìm văn liệu cho sách giáo khoa Ngữ văn vừa có tính mới vừa đảm bảo giá trị thẩm mỹ; vấn đề lắng nghe tiếng nói của nhà giáo…).

 

Dù tên sách rất khiêm tốn, chỉ là những “ước vọng cho học đường” của một người thầy, song qua đó, người đọc có thể có được cái nhìn khá tổng quát về các vấn đề của giáo dục nước nhà (từ bậc phổ thông cho đến đại học, từ dạy học môn Ngữ văn đến dạy học ở trường phổ thông nói chung, từ một cho đến tất cả những lực lượng tham gia vào hoạt động giáo dục…) trong suốt hai thập niên đầu thế kỷ này.

 

Là một người dạy văn ở môi trường giáo dục đại học gần nửa thế kỷ, tác giả đã có những quan sát và trải nghiệm thực tế đủ để có thể nhìn ra một số thực trạng của giáo dục. Đồng thời, với kinh nghiệm của một người làm công tác quản lý lâu năm, tác giả cũng đưa ra những gợi ý để có thể thay đổi thực trạng theo hướng tốt hơn.

 

Tác phẩm do đó là một tham khảo hữu ích không chỉ cho người dạy, người học mà còn cho các nhà quản lý, quản trị giáo dục các cấp - những người có đủ tài năng và tâm huyết để đưa giáo dục nước nhà ngày một phát triển hơn.

 

… đến những niềm tin

 

Trong buổi lễ nhận giải Sách hay năm 2024, tác giả đã chia sẻ: “Tôi nghĩ, phải chăng Hội đồng xét giải và các độc giả bình chọn đã đồng cảm với cuốn sách vì nhận ra ở đó những chia sẻ thành thật của một người trong cuộc đã nhìn thấy và âu lo trước những hạn chế của một nền giáo dục bị nhiều tổn thương mà vẫn không thôi ước vọng về tương lai tốt đẹp của nó, như hình ảnh tươi sáng về một học đường mà tuổi thơ và tuổi trẻ trên đất nước này xứng đáng được thụ hưởng”.

 

Quả thật, tác phẩm nhận được sự quý mến của đông đảo người đọc, nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, một mặt vì những giá trị lý luận và thực tiễn; mặt khác, vì nó đã thật sự chạm đến cảm xúc của người đọc khi họ nhận ra chân dung, hình ảnh một người thầy không chỉ uyên bác mà còn tinh tế, sâu sắc, khiêm tốn và luôn tâm huyết với nghề.

 

Qua những bài viết trong sách, người đọc có thể nhận ra tác giả là một nhà giáo luôn trăn trở với sự nghiệp dạy và học. Tác giả đã quan tâm đến toàn bộ đời sống của giáo dục nước nhà, từ những vấn đề vĩ mô cho đến vi mô. Song cũng từ vấn đề tưởng như vi mô lại gợi dẫn đến những vấn đề vĩ mô mà nếu không có sự tinh tế lẫn tầm nhìn thì thật khó để nhận ra. Bài viết “Tôi” hay “em”? đề cập đến việc có nên ủng hộ việc sinh viên xưng “tôi” với thầy cô giáo thay vì xưng hô “em” như lâu nay, và liệu việc thay đổi cách xưng hô như vậy có giúp cho người học khẳng định được tư chất của mình hay không, có phải là cách để khơi gợi tinh thần dân chủ ở đại học hay không, hay cần phải thay đổi cả một não trạng trong ứng xử quan hệ thầy trò và những mối quan hệ khác trong xã hội mới là giải quyết vấn đề từ gốc rễ… Bài viết đã cho thấy cái nhìn sâu sắc của tác giả trước một vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản và nhỏ nhặt như vậy.

 

Tác phẩm cũng một lần nữa đề cập đến vị trí, chức năng và phẩm chất của người giáo viên. Là một người làm công tác giảng dạy lâu năm, những khái quát của tác giả giúp người đọc hình dung, nhận thức rõ ràng về công việc, những khó khăn, thách thức mà một giáo viên phải đối mặt trong hai bài viết Lao động của nhà giáo Những áp lực trên vai nhà giáo.

 

Đặc biệt, trong bài viết Nghề dạy học cần sự khiêm tốn, tác giả đã đặt ra yêu cầu người dạy phải khiêm tốn. Vì sao lại như thế? Theo tác giả, người thầy cần phải có tình cảm biết ơn, với thầy cô, đồng nghiệp, học giới vì kho tàng tri thức mà mình được thừa hưởng. Người thầy cần phải khiêm tốn vì người học không phải là đối tượng tiếp nhận thụ động mà là chủ thể tiếp nhận một cách chủ động. Và hơn thế, dạy học còn là một nghệ thuật, phải biết tra vấn lương tâm để biết đâu là điều đúng, điều phải làm cho học trò.

 

Qua những yêu cầu mà tác giả đặt ra cho người làm nghề dạy học, chúng ta có thể thấy được chân dung một nhà giáo luôn cẩn trọng, chuẩn mực và hết sức khiêm cung khi thực hiện vai trò của một người thầy - một vai trò mà theo tác giả “dễ gây ra cho ta ảo tưởng” quyền lực vì được nói và được một đám đông (người học) lắng nghe.

 

Giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh những biến chuyển tích cực vẫn còn có những hạn chế nhất định mà việc tìm kiếm những giải pháp căn cơ, cũng như việc thực hiện các giải pháp đó như thế nào cho thật hiệu quả, chất lượng không phải lúc nào cũng đáp ứng được kỳ vọng của người thực hiện lẫn của xã hội. Điều đó làm không ít người dạy, người học, các nhà quản trị, các nhà khoa học giáo dục… nản lòng. Và sẽ càng nản lòng hơn nếu bao nhiêu tiếng nói cất lên nhưng không được lắng nghe.

 

Sự nản lòng đó có thể dẫn đến thái độ thỏa hiệp, chấp nhận với những hạn chế, thậm chí là tiêu cực trong giáo dục, từ đó không còn thiết tha với việc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ để cải thiện tình hình đó. Song thật may, vẫn luôn có những người thầy không ngừng suy tư, trăn trở, dốc lòng và tin tưởng vào tương lai nền giáo dục của nước nhà để tiếp tục cất tiếng.

 

Có thể nói, khi được lắng nghe tiếng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, nhưng thẳng thắn, mạnh mẽ của GS.TS Huỳnh Như Phương trong quyển sách, cùng nhiều tiếng nói tâm huyết khác nữa, chúng ta có quyền tin tưởng rằng giáo dục nước nhà sẽ đi đến một tương lai xán lạn và con em của chúng ta sẽ được thụ hưởng một nền giáo dục tốt như chúng ta kỳ vọng. Vì dù bất luận thế nào, vẫn luôn có những người thầy chưa bao giờ thôi ước vọng cho học đường và nỗ lực để hiện thực hóa ước vọng đó một cách chân thành và nhiệt huyết, như tác giả của quyển sách Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục này.

 

BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek