Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT được biết đến là một chuyên gia công nghệ, nhà giáo và là một diễn giả được yêu thích với những quan điểm ấn tượng về xây dựng thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới. Ông vừa có buổi giao lưu, nói chuyện với sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Dịp này, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, chọn ngành, chọn nghề giúp mở ra cơ hội thành công luôn là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Ông có nhận định gì về ngành hot cũng như các cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ hiện nay?
- Theo Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2024 và báo cáo xu hướng lao động của Tổ chức lao động thế giới, những ngành như Digital marketing, Digital content, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, ngành Nông nghiệp, Sinh học, chip và bán dẫn đang và sẽ gây sốt trong tương lai. Tôi thấy nhận định này hoàn toàn hợp lý. Khi chọn nghề, các bạn trẻ cần cân nhắc 4 yếu tố, gồm: đam mê, năng lực, mức độ cần của xã hội và thu nhập. Nếu coi đó là 4 vòng tròn thì lựa chọn khiến chúng càng trùng nhau bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, sự liên kết về đánh giá năng lực bản thân là vô cùng quan trọng. Giữa những đam mê và khát vọng, các bạn cần phải có năng lực. Cá nhân tôi rất thích ca hát, nhưng hễ hát là sai nhạc. Như vậy, rõ ràng đam mê và năng lực ca hát của tôi không liên quan đến nhau. Hay như tôi có một người bạn không giỏi Toán, cũng chẳng giỏi Văn, mà chỉ chơi bi da rất tốt. Sau này, anh ấy thành danh nhờ bi da. Nếu đam mê và năng lực này không phải bi da mà là bắn chun, chắc chắn anh ấy không thể phát triển, bởi xã hội không có môn thể thao nào như vậy.
* Trí tuệ nhân tạo đang được giới trẻ tiếp cận và đón nhận mạnh mẽ. Theo ông, đây có phải là chìa khóa để các bạn trẻ bước ra thế giới?
- Thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của ChatGPT nhưng trên thực tế thì còn vô vàn công cụ khác như: Gemini của Google, Copilot của Microsoft… Xa hơn nữa, sẽ còn có rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo mạnh khác được xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ lớn hình thành. Các nhà nghiên cứu hiện cũng đã chỉ ra những công việc lặp đi lặp lại trên 3 lần thì trí tuệ nhân tạo và robot có khả năng làm tốt hơn chính con người.
Thế hệ trẻ hiện nay (thế hệ Gen Z), được đánh giá là có nhiều lợi thế hơn so với các thế hệ trước nhờ được sử dụng công nghệ từ sớm và có nhiều cơ hội toàn cầu. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là thách thức, các bạn không chỉ phải đối mặt với những người thuộc thế hệ của mình mà còn phải cạnh tranh với các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Đối với các bạn Gen Z, một công thức mà tôi tự sáng tạo ra đó chính là: Gen Z + Gen AI = X Human (một thế hệ con người mới). Những X Human có thể biến các công cụ trí tuệ nhân tạo, người máy… trở thành công cụ của chính họ chứ không phải phụ thuộc vào nó.
* Theo ông, đâu là các phẩm chất mà một Gen Z cần có?
- Thế giới thay đổi từng ngày và mở ra nhiều cơ hội mới cho Gen Z. Những phẩm chất cần có chính là một tư duy độc lập (nhìn nhận vấn đề khách quan, không bị chi phối), năng lực phản biện (luôn đặt câu hỏi chất vấn trước những mệnh đề, tuyên bố đã có), lối sống khác biệt (sống phong cách, luôn là phiên bản tốt hơn của chính mình) và ngôn ngữ tiếng Anh.
Khi xã hội phát triển, những người có năng lực, trình độ, thái độ vượt trội trong công việc thì bất kể trong hoàn cảnh nào họ cũng sẽ có công việc rất tốt. Còn ngược lại, những người có năng lực chấp chới, những người biết rất nhiều nhưng khả năng biến kiến thức sách vở vào thực tiễn kém hay những người có năng lực, trình độ tốt nhưng thái độ làm việc không tốt, đặc biệt là không có thái độ hợp tác, chia sẻ, cùng phát triển… thì khả năng được trọng dụng không nhiều. Càng khó khăn, những người có trình độ, năng lực và thái độ tốt càng trở nên đắt.
Mỗi bạn trẻ hôm nay hãy chủ động kiến tạo chính mình. Trí tuệ nhân tạo phải trở thành cánh tay nối dài kiến thức của các bạn, chứ không phải lệ thuộc vào nó.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT |
NHƯ THANH