Hoạt động đo lường góp phần bảo đảm sự công bằng, văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Xác định rõ mục tiêu này, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường đang được Sở KH&CN quan tâm chú trọng.
Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường
Theo thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh (Sở KH&CN), từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Khoa học - công nghệ (KH-CN) tỉnh đã triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo đo lường.
Trong đó tập trung bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về đo lường cho nhân sự của doanh nghiệp; xây dựng các báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng đo lường tại doanh nghiệp; những lợi ích và kinh nghiệm thực tế xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; tham mưu hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng, dầu tại 162 cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tại các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Phú Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, bên cạnh những hoạt động, đầu việc trên, thực hiện Đề án 966 về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, chi cục tham mưu cho Sở KH&CN trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 167 về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Kế hoạch này đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Bộ KH&CN, nhằm xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, góp phần phát triển đồng bộ hoạt động đo lường; áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường. Đồng thời, kế hoạch cũng đề ra lộ trình, giải pháp thực hiện phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện KT-XH của tỉnh…
Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú cho biết: “Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được tăng cường. Công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật, rào cản kỹ thuật trong thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp được chú trọng; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng, qua đó ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh”.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Hạ tầng đo lường còn yếu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đo lường của các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các hoạt động tự bảo đảm đo lường cho chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chưa chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ triển khai thực hiện bảo đảm đo lường.
Theo ông Trần Phú Hà, để tăng cường hoạt động đo lường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp. Trọng tâm là thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đo lường; khuyến khích hoạt động nghiên cứu KH-CN về đo lường; tăng cường phát triển hạ tầng, theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hoạt động đo lường nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và xã hội.
“Phấn đấu đến năm 2025, việc đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh đủ điều kiện để thực hiện kiểm định chuẩn đo lường, phương tiện đo, đạt trên 70% nhu cầu đo lường của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Chi cục tham mưu Sở KH&CN tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 100 lượt người (trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp) tham gia; tập trung triển khai chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ KH&CN thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho ít nhất 20 lượt doanh nghiệp”, ông Trần Phú Hà cho biết.
Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát triển KT-XH. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự. Đây là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN |
VĂN TÀI