Thực hiện Nghị quyết 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai linh hoạt các hoạt động, giải pháp, các mô hình nhằm tiến tới xây dựng xã hội học tập (XHHT), mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục (PCGD), ngành Giáo dục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nhiều trường học sáp nhập thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành, dạy học. Ngành Giáo dục và các địa phương bố trí đầy đủ, kịp thời đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các địa bàn có học sinh dân tộc thiểu số; đặc biệt triển khai, thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao tỉ lệ học sinh đến trường, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái, hằng năm, việc huy động học sinh ra lớp luôn được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 100% xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt kết quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm học 2023-2024, các địa phương huy động trẻ 5 tuổi ra lớp là 13.064/13.064 trẻ, đạt tỉ lệ 100%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 gần 14.000 học sinh, đạt tỉ lệ 100% so với trẻ hoàn thành chương trình mầm non của năm học trước.
Các địa phương không chỉ chú trọng việc huy động trẻ đến trường mà công tác xóa mù chữ (XMC) cho người dân trong độ tuổi từ 15-60 tuổi cũng được các cấp, ngành quan tâm. Hằng năm, ngành Giáo dục phối hợp với địa phương mở các lớp XMC, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. “Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 680.720 người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi tham gia học XMC; trong đó, 672.095 người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (hoàn thành chương trình XMC giai đoạn 1), 656.235 người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Các lớp học được tổ chức tại địa bàn người học sinh sống, thời gian học phù hợp để không ảnh hưởng đến lao động sản xuất của người dân. Nhiều người sau khi tham gia lớp học đã đọc và viết thành thạo, thuận lợi hơn trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác PCGD và XMC đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGD tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt tỉ lệ 100%.
“Thời gian tới, ngành Giáo dục và các địa phương sẽ tăng cường xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục giữ vững đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 và XMC mức độ 2 vào cuối năm 2023”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái nói.
Trẻ 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm được các địa phương huy động ra lớp đạt 100%. Ảnh: CTV |
Xây dựng xã hội học tập
Tiến tới xây dựng XHHT, ngành Giáo dục và các địa phương tiếp tục nâng cao giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục tiểu học, coi trọng công tác PCGD tiểu học; tạo môi trường học tập thân thiện, hưởng ứng tích cực cuộc vận động Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường; huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, chống học sinh bỏ học. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục huy động trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập, đảm bảo đạt tỉ lệ quy định; phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng, đảm bảo tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học theo mục tiêu đề ra; huy động người mù chữ ra lớp học… Các cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục tích cực phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đẩy mạnh các mô hình, các phong trào học tập. “Việc thực hiện tốt công tác PCGD và XMC, nhất là ở các xã khó khăn, miền núi, con em đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng XHHT, thu hẹp dần khoảng cách học tập giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh”, ông Phạm Trung Thành, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân nói.
Các cấp hội khuyến học trong tỉnh cũng phát động nhiều phong trào thi đua nhằm liên kết, huy động các lực lượng xã hội, cơ sở giáo dục động viên, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời. “Để tiến tới xây dựng XHHT, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, hội khuyến học các cấp xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện tốt các mô hình học tập như: Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập… Mỗi mô hình học tập đã và đang tạo sức lan tỏa trên các địa bàn trong tỉnh. Trong đó, mô hình Dòng họ học tập, Gia đình học tập đều chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng nguồn quỹ để trao thưởng, khen thưởng động viên con, cháu nỗ lực học tập trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt”, ông Trương Văn Tho, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nói.
Ông Dương Tấn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng họ Dương tỉnh Phú Yên cho biết: Hội đồng họ Dương của tỉnh luôn chú trọng phong trào khuyến học khuyến tài, thi đua học tập. Hằng năm, dòng họ tổ chức vinh danh, khen thưởng con em là học sinh, sinh viên xuất sắc, thi đậu vào đại học. Năm 2022, Hội đồng họ Dương tỉnh khen thưởng 48 con em thi đỗ vào đại học, 18 sinh viên trong họ đạt học lực giỏi/xuất sắc với tổng số tiền 121 triệu đồng.
Tương tự phong trào xây dựng cộng đồng học tập, đơn vị học tập cũng đang được các địa phương quan tâm thực hiện. Nhiều người dân có sự chủ động học tập, tham gia các lớp học nghề, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả…, cùng nhau giúp đỡ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đẩy mạnh triển khai các mô hình học tập, ngành Giáo dục và hội khuyến học các cấp đẩy mạnh phong trào khuyến học khuyến tài; hằng năm vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân ủng hộ hàng tỉ đồng để trao thưởng, động viên các học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, đạt giải thưởng cao các kỳ thi, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện đến trường.
Để PCGD, XMC và xây dựng XHHT đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục kiểm tra, nâng cao kết quả đạt chuẩn PCGD tiểu học và XMC hằng năm với yêu cầu đánh giá đúng thực chất giáo dục, triệt để chống bỏ học, đặc biệt quan tâm đối với các xã điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, những xã đạt chuẩn ở mức thấp.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái |
HIẾU TRUNG