Thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, Phú Yên đã đạt được những kết quả nhất định. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về nội dung này, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
- Thực hiện Quyết định 1008 của Thủ tướng Chính phủ về đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai đề án một cách nghiêm túc, đạt những kết quả như đề ra.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái |
* Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đến nay có những kết quả nổi bật nào, thưa bà?
- Qua gần 8 năm thực hiện đề án, 100% trẻ DTTS các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi.
Hằng năm, Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt; dạy học theo hướng tăng kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là môn Tiếng Việt; tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em cấp tiểu học”…
Các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trò chơi, ngoại khóa, góp phần tăng vốn từ cho trẻ. Ngoài ra, các phòng GD-ĐT, UBND các huyện đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi... cho các trường. Một số trường có điều kiện tổ chức dạy học bán trú, trẻ có thêm thời gian giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo nên kỹ năng nghe, nói tiếng Việt tốt hơn. Đến nay, ở cuối độ tuổi mẫu giáo, trẻ nghe, nói tiếng Việt tương đối tốt. Các em đã hình thành một số kỹ năng cơ bản: tập tô, viết, làm quen sách, nhận dạng 29 chữ cái và nhận biết được chữ số trong phạm vi 10...
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng dạy tăng cường tiếng Việt, tiếng Ê Đê, Chăm cho 100% giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt...
* Qua thực hiện đề án, ngành Giáo dục có những khó khăn, vướng mắc nào cần khắc phục, thưa bà?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục còn những khó khăn nhất định. Ngôn ngữ chính của trẻ là tiếng mẹ đẻ, trẻ đến trường bắt đầu học tiếng Việt nhưng chưa có thói quen sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày giữa giáo viên và trẻ. Thầy cô giáo phần lớn là người Kinh, vốn từ giao tiếp bằng tiếng dân tộc còn hạn chế, trong quá trình giảng dạy còn lúng túng, khó chuyển tải hết nội dung của chương trình giáo dục hiện hành, do đó kết quả đạt được ở trẻ chưa cao.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các trường vùng đồng bào DTTS còn thiếu thốn; kinh phí để thực hiện các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh DTTS chưa được đầu tư đáng kể. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp còn thấp...
* Từ nay đến năm 2025, Sở GD-ĐT có kế hoạch gì để thực hiện tốt hơn đề án này?
- Thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục áp dụng Kế hoạch 120 của UBND tỉnh để triển khai nội dung này. Đó là tăng cường hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn theo các chuyên đề chuyên sâu cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp dạy trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS kịp thời, thiết thực, hiệu quả.
Các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học xây dựng kế hoạch cụ thể và có giải pháp phù hợp giúp trẻ tiếp cận kiến thức, kỹ năng các hoạt động và môn học thông qua trải nghiệm mà các em tích lũy được từ đời sống bằng tiếng mẹ đẻ theo mức độ từ dễ đến khó; tạo môi trường tiếng Việt mọi lúc mọi nơi để các em luyện nói tiếng Việt khi ở trường. Ngoài ra, các trường tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; sử dụng triệt để và hiệu quả đồ dùng dạy học, đồ chơi ở trường; vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp, các hình thức dạy học phong phú nhằm lôi cuốn trẻ tích cực tham gia các hoạt động học tập. Các trường tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa giúp trẻ tăng cường vốn tiếng Việt.
Sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành tăng cường kinh phí xây dựng cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng; bổ sung biên chế giáo viên mầm non dạy lớp dưới 5 tuổi, đặc biệt cho trẻ vùng đồng bào DTTS để góp phần nâng cao chất lượng trẻ 3-5 tuổi, để các em sẵn sàng vào lớp 1.
* Xin cảm ơn bà!
HIẾU TRUNG (thực hiện)