Thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 theo Quyết định 1008, ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục Phú Yên đẩy mạnh thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển biến chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Các trường mầm non trên địa bàn các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Ảnh: HIẾU TRUNG |
Tăng cường dạy và học tiếng Việt
Trường mẫu giáo Ea Lâm (huyện Sông Hinh) có gần 100% trẻ là con em đồng bào DTTS, hàng năm việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ được xem là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Cô Trần Thị Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn trường có 6 lớp học với 182 trẻ từ 3-5 tuổi, trong đó có 18 trẻ người Kinh còn lại là người đồng bào DTTS. Phần lớn trẻ khi nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Vì thế, từ đầu các năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ và dạy học theo chuyên đề. Ví dụ, khi dạy chuyên đề về tình yêu thương cha mẹ, ông bà đối với con cháu, giáo viên cho trẻ xem hình ảnh người mẹ bế con hoặc người bà thương cháu... sau đó sẽ tập cho trẻ đánh vần, miêu tả hình ảnh đã xem bằng tiếng Việt. Trường còn thường xuyên tổ chức các hội thi, hoạt động vui chơi, kể chuyện gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ”.
Theo cô Trần Thị Ngọc, để thuận tiện trong giao tiếp với trẻ em đồng bào DTTS, nhà trường còn quan tâm bồi dưỡng tiếng đồng bào dân tộc cho giáo viên người Kinh để các cô tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Hiện 12/12 cô giáo của trường đều biết tiếng Ê Đê.
Tương tự, thời gian qua, các trường mẫu giáo, tiểu học ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh cũng quan tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Nhiều trường mầm non tổ chức dạy học theo chuyên đề, có trường áp dụng phương pháp tăng cường tiếng Việt lồng ghép các hoạt động giáo dục cho trẻ. Theo cô Đặng Thị Hồng Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), mấy năm qua, các giáo viên cắt dán chữ cái tiếng Việt trong lớp và các khu vui chơi, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa... để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc mọi nơi.
Còn theo thầy Lê Thành Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hai Riêng số 1 (huyện Sông Hinh), nhà trường hiện có 5 lớp 1 với 150 học sinh, trong đó gần 40 học sinh đồng bào DTTS. Để các em biết tiếng Việt, học tốt các môn học, từ giữa tháng 8/2023, nhà trường đã tăng cường dạy tiếng Việt cho các em trước khi chính thức vào năm học. Hiện nay, trong các giờ dạy, giáo viên đều lồng ghép tăng cường tiếng Việt bằng cách cho các em đọc bài, đọc câu hỏi, phát biểu..., giúp các em thường xuyên tương tác bằng tiếng Việt.
Mang lại hiệu quả thiết thực
Từ khi thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, các trường học, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung, thay thế trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho 100% nhóm, lớp ở vùng khó khăn. Các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, xây dựng thư viện thân thiện; xây dựng CLB học sinh nói, viết tiếng Việt; xây dựng góc ngôn ngữ tiếng Việt; tổ chức giao lưu tiếng Việt giữa các lớp theo chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”...
Theo Phó phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh Trần Đình Nhất, toàn huyện có 12 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 7 trường tiểu học và THCS. Nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non được các trường thực hiện xuyên suốt cả năm học thông qua các hoạt động. Đối với học sinh lớp 1, tháng 8 hàng năm, các trường đều tăng cường dạy tiếng Việt cho các em trước khi vào năm học mới. “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 có hẳn chương trình, sách giáo khoa và thời gian, còn các em lớp 2, lớp 3 các trường lồng ghép thông qua các tiết dạy. Nhờ đó, hàng năm gần 100% học sinh cuối lớp 1 người đồng bào DTTS rành tiếng Việt, học tốt các môn học khác và các em tự tin trong giao tiếp với các bạn, thầy cô giáo...”, ông Nhất nói.
Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân cũng thường xuyên chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kế hoạch mở lớp trong hè, chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1. Một số trường dạy theo chương trình 60 bài trong tài liệu chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành, để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, một số trường có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc tổ chức dạy học thêm 2-3 buổi/tuần. Những trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất thì tổ chức phụ đạo bằng cách tăng tiết vào các buổi dạy ít tiết hoặc dạy tăng buổi. Nhờ đó, nhiều học sinh lớp 1 người đồng bào DTTS có thể đọc, viết, sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và học tập chỉ sau học kỳ 1.
Sở GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt, sáng tạo thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tạo điều kiện cho trẻ nhận biết và phát âm tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn chữ cái lên các thiết bị đồ chơi, đồ dùng... Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn tiếng Việt cho trẻ; đồng thời vận động phụ huynh ở nhà tăng cường nói tiếng Việt. Với cách làm trên, 100% trẻ 5-6 tuổi ở các trường đều có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái |
HIẾU TRUNG