Đề tài “Nghiên cứu tương đương điều trị giữa Pimenem 500mg và Meronem 500mg, Pimenem 1g và Meronem 1g trong điều trị bệnh lý nhiễm trùng” tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên mà Hội đồng KH&CN tỉnh vừa thống nhất nghiệm thu, đã chứng minh được điều này.
Đề tài do GS.TS.BS Nguyễn Đức Công và PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế (Bệnh viện Thống Nhất) đồng chủ nhiệm, với tổng kinh phí thực hiện hơn 3,2 tỉ đồng.
Đề tài này được triển khai từ tháng 10/2019-10/2022, trên tất cả các bệnh nhân có bệnh lý nhiễm trùng nhập viện Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh hiệu quả điều trị (về lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả kháng sinh đồ) giữa thuốc kháng sinh Pimenem 500mg và Meronem 500mg, Pimenem 1g và Meronem 1g; so sánh tính an toàn giữa thuốc kháng sinh Pimenem 500mg và Meronem 500mg, Pimenem 1g và Meronem 1g; so sánh hiệu quả kinh tế giữa thuốc thử và thuốc đối chứng khi điều trị.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, lấy mẫu thuận tiện, phù hợp với đặc điểm đối tượng nghiên cứu cũng như mục tiêu của đề tài. Các tiêu chí đánh giá dựa vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các hội chuyên ngành được cập nhật mới, đảm bảo độ tin cậy, giá trị khoa học.
Kết quả của đề tài chứng minh rằng có thể sử dụng kháng sinh Pimenem (0,5g và 1g) sản xuất trong nước thay cho biệt dược gốc nhập khẩu từ nước ngoài là Meronem trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Điều này giúp giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho người dân, cho Quỹ Bảo hiểm y tế mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị và tính an toàn không thua kém biệt dược gốc. Kết quả nghiên cứu góp phần chứng minh năng lực và chất lượng của các thuốc sản xuất trong nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất dược phẩm ở nước ta.
VĂN TÀI