Thứ Tư, 13/11/2024 03:16 SA
Không chủ quan với bệnh phong
Thứ Hai, 30/01/2023 11:00 SA

Là một trong số các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh nhưng bệnh phong để lại khuyết tật suốt đời nếu không được phát hiện và điều trị sớm; bệnh nhân phong chưa điều trị trở thành nguồn lây trong cộng đồng. Vì vậy, dù tất cả các địa phương ở Phú Yên đã được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện thì cũng không thể chủ quan.

 

PGS-TS Phạm Thị Lan

Báo Phú Yên phỏng vấn PGS-TS Phạm Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương xung quanh vấn đề này. PGS-TS Phạm Thị Lan cho biết:

 

- Việt Nam là một trong những nước có nhiều thành tựu trong loại trừ bệnh phong. Trước đây, mạng lưới phòng chống bệnh phong rất mạnh, hoạt động rất tốt ở các tuyến. Sau khi đạt được tiêu chuẩn loại trừ, bệnh phong không còn là mối quan tâm của cộng đồng như trước nữa; các tổ chức quốc tế rút dần; công tác truyền thông không còn mạnh như trước... Nếu nhân viên y tế quên bệnh phong, quên triệu chứng, bệnh nhân đi khám ở rất nhiều nơi vẫn không phát hiện mắc bệnh phong, đến khi có biến chứng rồi, họ bị khuyết tật rồi thì mới phát hiện ra. Bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị, trở thành nguồn lây trong cộng đồng thì có thể bệnh phong sẽ quay trở lại, sau khi chúng ta đã mất bao công sức để loại trừ.

 

Chính vì vậy, việc ôn lại kiến thức cho nhân viên y tế là rất cần thiết. Nếu để ý đến thì chẩn đoán rất dễ; những triệu chứng của bệnh phong rất dễ nhận biết; còn nếu không nghĩ đến thì sẽ bỏ sót.

 

* Tại Phú Yên, đến cuối năm 2022, tất cả các địa phương đã được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Theo PGS, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là gì?

 

- Sau khi đã loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện thì cần quan tâm đến việc chăm sóc khuyết tật cho người bệnh phong. Cán bộ, nhân viên y tế vẫn phải cảnh giác với bệnh phong vì thời gian ủ bệnh rất lâu, có thể lên đến 5-10 năm, thậm chí 20 năm... Rất may là bệnh phong ít lây, khó lây; nếu phát hiện và điều trị sớm thì sẽ cắt đứt nguồn lây. Vì vậy, quan trọng nhất là phát hiện ra ca bệnh. Vì tỉ lệ lưu hành bệnh phong thấp nên có thể mọi người sẽ mất cảnh giác và nhầm với những bệnh về da khác. Nếu chúng ta nghĩ đến bệnh phong thì sẽ nhận ra những triệu chứng điển hình, nếu không nghĩ đến thì dễ nhầm với rất nhiều bệnh khác. Ví dụ, có thể nhầm bệnh phong thể bất định, tức thể I, với lang ben, viêm da cơ địa, vẩy nến trắng, bạch biến; có thể nhầm bệnh phong thể củ, tức thể T, với bệnh hắc lào, tức lác đồng tiền; bệnh phong các thể nặng hơn thì có thể nhầm với dị ứng, viêm da tiếp xúc, lupus ban đỏ...

 

Tuy nhiên, bệnh phong có đặc trưng là rối loạn cảm giác và mất cảm giác; da thay đổi màu sắc bất thường. Những dấu hiệu đó chỉ có ở bệnh phong. Nếu nhân viên y tế để ý đến những dấu hiệu phân biệt cơ bản thì rất dễ phát hiện. Về sau, người bệnh có những triệu chứng nổi bật hơn, như đau khớp, đau cơ, sốt..., làm phai mờ các triệu chứng ban đầu. Nếu bệnh nhân có cơn phản ứng thì sẽ nổi những nốt trên da, bị viêm khớp, sốt, đau dây thần kinh... và sẽ đi khám ở các chuyên khoa khác. Lúc đó họ không nghĩ đến bệnh da nữa.

 

Cán bộ y tế thăm hỏi sức khỏe một bệnh nhân phong cũ, bị khuyết tật. Ảnh: YÊN LAN

 

* Bệnh phong được chẩn đoán như thế nào, thưa PGS?

 

- Chẩn đoán bệnh phong dựa vào triệu chứng là da thay đổi màu sắc, rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác. Đấy là những dấu hiệu lâm sàng sớm nhất. Bên cạnh đó, có thể soi vi khuẩn hoặc thực hiện một số sinh thiết để làm xét nghiệm. Tuy nhiên, phương pháp này không điển hình, vì ở nhóm ít vi khuẩn - theo cách phân loại bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. Vì vậy, chúng ta chẩn đoán bằng lâm sàng, bằng những triệu chứng điển hình.

 

* Theo PGS, công tác truyền thông có vai trò như thế nào trong phòng chống bệnh phong?

 

- Ngày trước, khi có nhiều người mắc bệnh phong, kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhiều, chúng ta truyền thông rất mạnh bằng nhiều hình thức. Và chúng ta khám toàn dân, phát hiện người nào có da bất thường thì đưa vào một nhóm rồi kiểm tra kỹ. Sau này, kinh phí không nhiều, chúng ta khám tiếp xúc: phát hiện một ca mắc bệnh phong thì khám những người tiếp xúc với họ, như người trong gia đình, hàng xóm...

 

Qua truyền thông, người mắc bệnh phong tự nhận biết những bất thường trên da và đến cơ sở y tế khám. Công tác truyền thông được thực hiện tốt, góp phần vào sự thành công của chương trình phòng chống bệnh phong.

 

Lâu rồi không có nhiều hoạt động dành cho lĩnh vực này, bệnh phong có thể bị lãng quên. Vì vậy, cần phải ôn lại kiến thức.

 

* Xin cảm ơn PGS!

 

Bệnh phong là một loại bệnh truyền nhiễm mãn tính do vi khuẩn Mycobacterium Leprae gây ra. Cho đến nay, cơ chế lây truyền chính xác của bệnh phong vẫn chưa được xác định rõ. Theo các thống kê cho thấy bệnh phong có thể lây truyền qua sự tiếp xúc giữa người mắc bệnh và người khỏe mạnh.

 

Từ năm 1995, Tổ chức Y tế thế giới phát triển phương pháp đa trị liệu để điều trị tất cả các loại bệnh phong trên toàn thế giới. Một số loại kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, cùng với đó là một số loại thuốc chống viêm. Việc điều trị diễn ra trong nhiều tháng, có thể kéo dài 1-2 năm nếu bệnh nặng.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek