Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) vừa tổ chức các hội thảo khoa học Thu thập thông tin hiện trạng các nguồn gen cần bảo tồn trên địa bàn tỉnh Phú Yên và Đánh giá hiện trạng các nguồn gen, đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn gen trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh bàn giải pháp bảo tồn, lưu giữ, bảo quản các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội. Báo Phú Yên lược ghi ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ các cuộc hội thảo này…
THS NGUYỄN TRỌNG LỰC, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KH-CN: Đẩy mạnh đề án khung các nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen
Thời gian qua, quá trình triển khai đề án khung nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen tỉnh Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn và bất cập như: Nhiều nguồn gen ở địa phương chưa được thống kê, đánh giá đầy đủ tính đặc hữu, giá trị sử dụng cũng như chưa phát triển thành chương trình, dự án để khai thác, phát triển thành các sản phẩm hàng hóa và phát triển bền vững. Nhiều nguồn gen được đưa vào đề án khung nhưng chưa được triển khai; một số nguồn gen từ kết quả các đề tài, dự án đã kết thúc nhưng không có nguồn kinh phí để duy trì, bảo quản và phát triển. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen chưa được phổ biến rộng rãi… Trong khi đó, các nguồn gen ngày càng bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng bởi nhiều yếu tố tác động khác nhau.
Vì vậy, việc cần làm là phải đánh giá hiện trạng các nguồn gen, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn gen địa phương. Việc bảo tồn gắn với sử dụng bền vững nguồn gen tại địa phương không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
TS NGUYỄN MINH TY, TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT, BÌNH DƯƠNG: Bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài thủy sản đặc hữu ở Phú Yên
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi về nhiều mặt, nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh trong thời gian qua. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài thủy sản đặc hữu là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho các nhà quản lý, nhà khoa học và cả người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, muốn bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài thủy sản đặc hữu, tỉnh Phú Yên cần phải thiết lập các khu vực bảo tồn nước ngọt hoặc khu bảo tồn biển theo công ước về đa dạng sinh học; ban hành các lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa nhằm tạo điều kiện cho quá trình sinh sản thành công ở một số loài quý hiếm, đặc hữu; bảo quản giao tử dưới dạng ngân hàng giống để lưu trữ nguồn gen của các loài nuôi trồng thủy sản.
Song song đó, cần bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ, tái tạo, phát triển nguồn gen và giống các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế, góp phần tạo quỹ nguồn gen phong phú cho các chương trình sản xuất giống nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Phú Yên.
THS NGUYỄN VĂN MINH, PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ YÊN: Ứng dụng KH-CN để phát triển các nguồn gen cây nông nghiệp có giá trị
Bảo tồn và khai thác nguồn gen thực vật nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Sinh vật nói chung và thực vật nói riêng là nguyên liệu trực tiếp nuôi sống con người, là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và y tế. Ngoài ra còn có vai trò vô cùng hữu ích trong hệ sinh thái.
Tại Phú Yên, trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư. Đến nay đã lưu giữ, bảo tồn 30 nguồn gen đặc hữu địa phương; đã khôi phục được cây cam thảo đá bia - một loài đặc hữu ở Phú Yên đang ở mức đe dọa tuyệt chủng và được công nhận là loài mới trên thế giới. Bên cạnh đó, một số nguồn gen đã được bảo tồn và phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Phú Yên như: Nhân sâm Phú Yên, cây ba kích tím, cà gai leo, gạo đỏ Phú Yên… Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây nông nghiệp chỉ tập trung thông qua các nhiệm vụ KH-CN dưới dạng đề tài, dự án mà chưa xây dựng kế hoạch lưu giữ an toàn nguồn gen và kế hoạch KH-CN hằng năm; chưa phát triển được thành chương trình, dự án cấp Nhà nước để đánh giá, khai thác và phát triển thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Để bảo tồn, sử dụng và phát triển các nguồn gen cây nông nghiệp, thời gian đến cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào việc bảo tồn, lưu giữ, nhân giống, khai thác và phát triển các nguồn gen cây nông nghiệp có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng cao phục vụ phát triển, kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xác định danh mục các nguồn gen cần ưu tiên bảo tồn và khai thác phát triển giai đoạn 2021-2025; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen; tập trung ứng dụng KH-CN vào phát triển các loại cây trồng nông nghiệp…
THS CAO NGỌC GIANG, VIỆN DƯỢC LIỆU TRUNG ƯƠNG: Bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý
Nguồn gen cây dược liệu có vị trí rất quan trọng trong việc cung cấp giống nguyên thủy cho chọn tạo giống cây thuốc. Mục đích chính của việc bảo tồn và phát triển nguồn gen là nghiên cứu và chọn tạo giống cây thuốc, cung cấp giống cho phát triển và sử dụng bền vững. Tại tỉnh Phú Yên, qua điều tra ban đầu đã ghi nhận 1.454 loài thực vật bậc cao, trong đó có 57 loài quý hiếm, 21 loài bị đe dọa ở cấp toàn cầu và 43 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia. Do đó, việc bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen cây dược liệu bản địa là rất cấp thiết không chỉ trước mắt, mà còn rất quan trọng cho tương lai. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách khuyến khích về mặt tinh thần và ưu tiên đào tạo nâng cao đối với người thực hiện nhiệm vụ khoa học này; cần có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền, cũng như hợp tác công tư với các doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm từ các nguồn gen…
Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn nguồn gen cây dược liệu, tỉnh Phú Yên cần phải tiến hành điều tra thu thập thông tin hiện trạng các nguồn gen cây dược liệu cần bảo tồn trên địa bàn, từ đó đánh giá các nguồn gen, đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững. Một số loại cây dược liệu mà Phú Yên có thế mạnh như: Nhân sâm Phú Yên, diệp hạ châu, xáo tam phân… cần được bảo tồn và phát triển trở thành sản phẩm thế mạnh, đặc trưng phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay Phú Yên đã lưu giữ, bảo tồn 30 nguồn gen đặc hữu địa phương; đã khôi phục được cây cam thảo đá bia - một loài đặc hữu ở Phú Yên đang ở mức đe dọa tuyệt chủng và được công nhận là loài mới trên thế giới. Bên cạnh đó, một số nguồn gen đã được bảo tồn và phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Phú Yên như: Nhân sâm Phú Yên, cây ba kích tím, cà gai leo, gạo đỏ Phú Yên… |
VĂN TÀI (thực hiện)