Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học (TMNHSTH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đang được ngành Giáo dục tiếp tục triển khai với nhiều giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái |
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết:
- Để tăng cường tiếng Việt cho TMNHSTH vùng DTTS, Sở GD-ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể. Đến nay, 5/5 huyện có kế hoạch triển khai đề án với nhiều hoạt động, nội dung phong phú như: tập huấn hướng dẫn thực hiện đề án; xây dựng mô hình tăng cường tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục (CSGD) có TMNHSTH vùng DTTS; kiểm tra giám sát đánh giá kết quả quá trình triển khai đề án theo từng năm, giai đoạn... Các trường đầu tư xây dựng môi trường tiếng Việt, tạo nhiều cơ hội cho trẻ sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động học, vui chơi, trải nghiệm và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể…, nhằm giúp trẻ hình thành thói quen sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày.
* Bà có thể cho biết rõ hơn các mục tiêu tăng cường tiếng Việt cho TMNHSTH vùng DTTS?
- Việc tăng cường tiếng Việt cho TMNHSTH vùng DTTS nhằm bảo đảm kỹ năng trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của tỉnh và đất nước. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 30% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, từ 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các CSGD mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được học và tham gia các hoạt động trong đề án tăng cường tiếng Việt.
* Để đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS mang lại hiệu quả như kế hoạch đề ra, ngành Giáo dục có những giải pháp nào, thưa bà?
- Trước hết, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, có sự tham gia tích cực của cán bộ địa phương, các hội đoàn thể phụ nữ, nông dân, thanh niên các cấp ở địa bàn có học sinh DTTS; tuyên truyền đến các bậc cha mẹ học sinh người DTTS hiểu rõ việc tăng cường tiếng Việt.
Sở GD-ĐT lựa chọn, biên tập, bổ sung tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người DTTS, phổ biến đến các CSGD mầm non, tiểu học vùng DTTS tổ chức dạy học. Đồng thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh bổ sung kinh phí hàng năm mua sắm thiết bị dạy học tiếng Việt phù hợp cho các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn. Các CSGD mầm non, tiểu học vùng DTTS duy trì và phát triển sáng tạo môi trường tiếng Việt, như: thực hiện làm quen, giao tiếp tiếng Việt; tích hợp, lồng ghép, liên hệ trong các bộ môn, hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường văn hóa đọc, phát triển thư viện nhà trường; trang trí trường lớp; giao lưu tiếng Việt, thi Trạng nguyên tiếng Việt…
Trường mầm non Krông Pa (huyện Sơn Hòa) dạy trẻ học tiếng Việt ở góc học tập. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Ngoài ra, đối với cấp tiểu học, Sở GD-ĐT cũng sẽ rà soát chương trình, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng, điều kiện của từng địa bàn, từng điểm trường; tổ chức dạy học tiếng Việt hiệu quả để học sinh nắm chắc kiến thức tiếng Việt từ lớp 1, thực hiện tích hợp tăng cường tiếng Việt trong các môn học; tổ chức hội thảo, hội thi, giao lưu Tiếng Việt của chúng em cho học sinh DTTS các huyện miền núi...
* Vậy giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên trực tiếp thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho TMNHSTH vùng DTTS?
- Việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho TMNHSTH vùng DTTS rất quan trọng. Vì thế hàng năm, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy TMNHSTH người DTTS. Các nội dung được ưu tiên tập huấn gồm: công tác quản lý, phương pháp, hình thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục, xây dựng môi trường tiếng Việt. Sở cũng tổ chức bồi dưỡng tiếng DTTS phổ biến cho giáo viên dạy TMNHSTH vùng DTTS; khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên tự bồi dưỡng, tự học tập tiếng DTTS địa phương phục vụ yêu cầu công việc; đồng thời biên tập, lựa chọn, triển khai tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ.
* Xin cảm ơn bà!
HIẾU TRUNG (thực hiện)