Thứ Hai, 29/04/2024 17:31 CH
Phát triển thị trường khoa học - công nghệ theo hướng đồng bộ, hiệu quả
Thứ Hai, 26/09/2022 07:29 SA

Giảng viên Trường đại học Phú Yên kiểm tra phôi cây trà Mã Dọ. Ảnh: LỆ VĂN

Thực hiện Quyết định 1158 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường KH-CN quốc gia đến năm 2030, thời gian qua, Phú Yên đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển thị trường KH-CN để áp dụng tại địa phương; đồng thời tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội…

 

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11 về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 40 triển khai thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH-CN quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Kế hoạch 209 thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hiện tại, Sở KH-CN đang chuẩn bị trình UBND tỉnh dự thảo đề án Kết nối cung - cầu công nghệ tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022-2025.

 

Thúc đẩy thị trường KH-CN phát triển

 

Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, thời gian qua, Phú Yên đã có nhiều nỗ lực, tích cực trong việc phát triển thị trường KH-CN, cũng như tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về thị trường KH-CN. Các chương trình, chính sách đều hướng đến mục tiêu hình thành, phát triển thị trường KH-CN và hệ thống doanh nghiệp KH-CN. Song song đó, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng, như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật KH-CN đồng bộ, ứng dụng các kết quả KH-CN vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển; hình thành các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN… Qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển KH-CN, phát triển kinh tế, xã hội, nhằm đưa Phú Yên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.

 

Điển hình như từ năm 2018, Phú Yên đã đưa Điểm kết nối cung - cầu công nghệ Phú Yên (107 Nguyễn Trãi, TP Tuy Hòa) đi vào hoạt động, đây là một trong tám điểm kết nối cung - cầu công nghệ trên cả nước. Điểm kết nối này có chức năng tư vấn công nghệ, kết nối đầu tư tài chính - công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trực tuyến, xây dựng dữ liệu công nghệ, hình thành mạng lưới tư vấn, chuyển giao công nghệ; tổ chức các buổi giới thiệu, trình diễn mô hình công nghệ, hội thảo chuyên đề và theo nhu cầu của doanh nghiệp. Song song đó, công tác hỗ trợ, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH-CN được chú trọng; số lượng tổ chức KH-CN và doanh nghiệp KH-CN được thành lập tăng dần hàng năm. Toàn tỉnh hiện có 13 tổ chức KH-CN, 4 doanh nghiệp KH-CN đang từng bước góp phần phát triển thị trường KH-CN.

 

“Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH-CN của doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Đây là tiền đề, điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng như đưa sản phẩm địa phương ngày càng vươn xa”, bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh cho biết thêm.

 

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến thực phẩm, trong thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý (phường 9, TP Tuy Hòa) đã mạnh dạn ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Ông Phạm Văn Hổ, Giám đốc công ty này, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ KH-CN chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kinh phí hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, ứng dụng KH-CN đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều nhân công và chủ động sản xuất để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, việc ứng dụng KH-CN giúp các sản phẩm của doanh nghiệp đều được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo sự minh bạch và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm”.

 

Các giảng viên Trường đại học Phú Yên tiến hành nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: LỆ VĂN

 

Cần gỡ vướng về thể chế

 

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý Nhà nước về phát triển thị trường KH-CN tỉnh Phú Yên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là, mạng lưới tổ chức nghiên cứu và phát triển chưa được quy hoạch đầy đủ ở các ngành, các cấp. Hệ thống dịch vụ KH-CN còn yếu kém về cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Các tổ chức KH-CN công lập triển khai thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoặc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KH-CN còn rất ít và khiêm tốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên cũng chưa quan tâm đến việc thành lập Quỹ Phát triển KH-CN của doanh nghiệp. Điều kiện đối với doanh nghiệp có kết quả KH-CN là tài sản được hình thành từ nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn Nhà nước được đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH-CN còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, công tác hướng dẫn, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước còn vướng khi triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định 70 của Chính phủ.

 

Cũng theo ông Dương Bình Phú, nhằm kết nối, hình thành mạng lưới KH-CN quốc gia, Phú Yên rất cần cộng đồng các nhà khoa học, trí thức, các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu hỗ trợ, kết nối về KH-CN. Hiện tỉnh đang đề xuất Bộ KH-CN đăng ký tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc tế và Diễn đàn thượng đỉnh ĐMST quốc gia tại Phú Yên với chủ đề “ĐMST mở - khát vọng đại dương xanh - phát triển nhanh, bền vững”, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2023. Đồng thời, để phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, thời gian đến cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Ngành Tài chính, Thuế, ngành KH-CN, ngành Kế hoạch - Đầu tư trong việc hướng dẫn doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ KH-CN.

 

Phát biểu tại hội nghị Phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức về thị trường KH-CN, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường KH-CN. Thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, biến KH-CN thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế. 

 

Phát triển thị trường KH-CN phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek