Thứ Năm, 16/05/2024 08:31 SA
Không để học sinh vì thiếu học phí mà không thể đến trường
Thứ Tư, 21/09/2022 15:27 CH

Học phí tăng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ảnh: HIẾU TRUNG

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về những băn khoăn của phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh trước việc học phí năm học 2022-2023 tăng hơn 300% so với trước.

 

Ông Trần Khắc Lễ cho biết: Trước khi bước vào năm học mới 2022-2023, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch và có phương án vận động hỗ trợ những học sinh khó khăn về sách giáo khoa (SGK) và tiền học phí; đồng thời các trường phải thông báo cho phụ huynh biết thông tin, giải thích việc tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ.

 

* Việc áp dụng Nghị định 81 của Chính phủ để ban hành khung học phí đối với cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Năm học 2022-2023, Phú Yên cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện mức thu học phí theo Nghị định 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về quy chế thu, quản lý học phí đối với CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

 

Theo Nghị định 81 của Chính phủ, khung học phí năm học 2022-2023 ở vùng thành thị dành cho khối mầm non, tiểu học từ 300.000-540.000 đồng/tháng, khối THCS và THPT từ 300.000-650.000 đồng/tháng. Vùng nông thôn, đối với mầm non và tiểu học, học phí mỗi tháng từ 100.000-220.000 đồng; THCS, học phí mỗi tháng từ 100.000-270.000 đồng; THPT học phí mỗi tháng từ 200.000-330.000 đồng. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khối mầm non, tiểu học học phí từ 50.000-110.000 đồng/tháng; khối THCS học phí từ 50.000-170.000 đồng/tháng; khối THPT học phí từ 100.000-220.000 đồng/tháng.

 

Từ khung học phí của Nghị định 81 Chính phủ, ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 13 quy định mức học phí đối với vùng thành thị dành cho mầm non, tiểu học, THCS và THPT mỗi tháng 300.000 đồng. Vùng nông thôn, mức học phí các cấp học mầm non, tiểu học, THCS mỗi tháng 100.000 đồng, khối THPT 200.000 đồng/tháng. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức học phí khối mầm non, tiểu học, THCS mỗi tháng 50.000 đồng, khối THPT 100.000 đồng/tháng.

 

Dù mức thu học phí của Phú Yên thấp nhất trong khung quy định của Nghị định 81, nhưng mức này còn khá cao so với mức học phí năm học trước nên nhiều phụ huynh lo lắng.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ

* Thưa ông, với mức học phí tăng như hiện nay, nhiều gia đình sẽ gặp không ít khó khăn, ngành Giáo dục có giải pháp nào để thu học phí hợp lý?

 

- Để tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh, nhất là những gia đình khó khăn, Sở GD-ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải có các giải pháp cụ thể trong việc thu học phí cho phù hợp. Thứ nhất, đối với những trường hợp khó khăn, những gia đình có 2-3 con em đi học, nhà trường thu học phí nhiều lần, thu hàng tháng, không thu dồn vào các khoản thu đầu năm. Thứ hai, hiệu trưởng các trường chủ động vận động các nguồn hỗ trợ để tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đóng học phí. Thứ ba, tất cả khoản thu đầu năm học, các trường phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Các khoản thu có thể thu giãn cách và không được lạm thu, nếu trường nào lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Quan điểm chung là không để xảy ra trường hợp vì thiếu học phí mà các em không được đến trường.

 

* Việc học phí tăng gấp ba lần so với năm học trước khiến nhiều phụ huynh tâm tư. Liên quan đến vấn đề này, ngành Giáo dục ghi nhận và kiến nghị như thế nào với cấp trên, thưa ông?

 

- Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có hai đề nghị đối với Chính phủ. Thứ nhất, đối với năm học 2022-2023, cho phép các trường tạm thời thu học phí theo mức cũ. Thứ hai, cho miễn học phí đối với cấp THCS. Hiện Chính phủ đang xem xét và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có ý kiến theo đề nghị của Bộ GD-ĐT. Dự kiến trong quý IV/2022, Chính phủ sẽ có các văn bản hướng dẫn đối với các địa phương liên quan đến vấn đề học phí.

 

* Ngoài việc tăng học phí, nhiều phụ huynh còn lo lắng khi một số trường đang thiếu giáo viên giảng dạy, Sở GD-ĐT có kế hoạch và giải pháp như thế nào?

 

- Tính đến tháng 7/2022, Phú Yên thiếu hơn 1.500 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non, tiểu học ở một số bộ môn Tin học, Ngoại ngữ. Hiện nay, giáo viên THCS thì thừa, thiếu cục bộ, nhưng không nhiều. Đối với giáo viên THPT, Sở GD-ĐT vừa tuyển dụng 123 giáo viên vào chỉ tiêu biên chế. Hiện câu chuyện thiếu giáo viên đầu năm học vẫn còn khó khăn ở một số trường cụ thể, nhưng nhìn chung vẫn cơ bản tạm ổn, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình.

 

Để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương đã tuyển dụng giáo viên dạy hợp đồng; bố trí giáo viên giảng dạy tạm thời để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là các địa phương phải tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên và thực hiện sớm nhất để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời gian tới.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Phú Yên có mức thu học phí thấp nhất trong khung quy định của Nghị định 81, nhưng mức này còn khá cao so với mức học phí năm học trước nên nhiều phụ huynh lo lắng. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường chủ động vận động các nguồn hỗ trợ để tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đóng học phí, không để xảy ra tình trạng vì thiếu học phí mà các em không được đến trường.

 

HIẾU TRUNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek